Câu chuyện về danh xưng lương y bắt đầu từ đây. Khi cho xây dựng miếu mới, vua Tự Đức có dụ: “Miếu dựng bên tả chùa Thiên Mụ, chỗ ấy đất ẩm ướt, kiểu mẫu chật hẹp, lại việc tế tự cũng còn thiếu sót, chưa đủ. Nay nên sửa sang, định lại điều lệ, nghi thức, để rộng đạo, làm cho đời được sống lâu, giữ dân mạnh khoẻ”. Theo thánh ý của vua Tự Đức, để có đội phục dịch thường xuyên tại miếu, phủ Thừa Thiên phải cắt 10 dân phu ở 8 xã trong vùng, do một người trưởng toán gọi là Bá hộ quán xuyến. Những phu miếu này được miễn thuế thân, miễn đi lính và làm phục dịch. Ngay ở trong vùng, còn có nhiều gia đình của các lương y trong triều ở. Thế là bắt đầu từ đó, cái xóm nhỏ (hay còn gọi là khóm) của phường Thường Dũ thuộc Kinh thành Huế mang tên “xóm Lương Y”, tức xóm thầy thuốc. Tiên Y miếu cũng vì thế mà có cách gọi khác, là miếu Lương Y. Một cái tên đặc biệt, rất Huế và cũng rất gần gũi, thân thương.

Gọi thân thương không chỉ bởi ý nghĩa của tên gọi mang đến mà với tôi đó còn là kỷ niệm của một thời. Dạo còn là sinh viên, cũng đã mấy chục năm về trước, tôi có cô bạn gái là sinh viên y khoa. Nhà em ở cạnh xóm Lương Y và gần ngay cống Lương Y. Cả mấy năm trời quanh quẩn ở đây, bao năm rồi đi qua, tôi đã nhớ và tường tận tới từng con ngõ, ngôi nhà. Qua khỏi cửa Đông Ba, đi dọc theo con đường 68 là sang cống Lương Y. Sự ồn ào và tấp nập của phố hội ở phía những con đường như Phan Đăng Lương, Huỳnh Thúc Kháng hay Mai Thúc Loan đã như được để lại ở phía đằng sau khi hiện lên trước mắt ta là xóm Lương Y với một khung cảnh yêu thương, mang dáng dấp của xóm quê với con sông đào quanh co và cả bóng dáng của những lũy tre làng.

Trở lại với cống Lương Y. Cùng với việc xây dựng Kinh thành Huế, sau khi lên ngôi, vua Gia Long cùng người kế vị là vua Minh Mạng đã cho đào con sông Ngự Hà bao bọc lấy Kinh thành Huế và xây dựng 10 chiếc cầu bắc qua, trong đó có cầu Đông Thành Thủy Quan. Lúc đầu khi mới xây dựng vào năm 1808, cầu bằng gỗ, mang tên Thanh Long Kiều. Tháng 5/1838, cầu được thay bằng đá và gạch; có nhiều thay đổi quan trọng về hình thức và quy mô, được đổi tên thành cầu Đông Thành Thủy Quan. Cái tên gọi Hán tự đó vẫn được giữ nguyên trên văn bản giấy tờ, thế nhưng từ ngày vua Tự Đức cho xây miếu Tiên Y, chiếc cầu Đông Thành Thủy Quan lại có thêm cái tên mới cống Lương Y. Nó na ná cách gọi dân gian cửa Chánh Bắc là cửa Hậu hay cửa Chánh Nam là cửa Nhà Đồ, hay gần hơn nữa Chánh Đông là cửa Đông Ba, nghe mà gợi nhớ, gợi thương. Còn nữa, con đường nhỏ ngang qua xóm Lương Y, vốn có từ đầu thế kỷ 19, vào trước năm 1975 là đường Lê Trung Đỉnh nối dài, đến trước năm 1996 là đường Bờ hồ Lương Y và từ năm 2001, được cắm biển là đường Lương Y cho thống nhất với miếu, xóm, cống (cầu).

Tiên Y miếu năm nào hoang vắng bởi địch họa và thiên tai. Hội Đông y Thừa Thiên Huế đã lập hồ sơ đề nghị xác minh và tôn tạo di tích. Năm 2002 - 2004, miếu được khôi phục, kinh phí do UBND tỉnh cấp. Hội viên Đông Y quyên góp công của cải tạo sân bãi, trang thiết nội điện. Giờ Y miếu được khang trang, là nơi thờ tự tôn nghiêm, việc phụng thờ bảo tồn theo nếp xưa. Hội Đông y Thừa Thiên Huế đã có ý tưởng đề xuất đưa lễ hội tế Tiên Y vào danh mục lễ hội truyền thống trong Fesstival nghề truyền thống Huế. Mọi thứ còn phải chờ đợi nhưng điều đáng nói là đã bao năm rồi, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, miếu Lương Y là nơi kính viếng của bao người, trong đó có đội ngũ những người công tác tại ngành y tế địa phương, một nét đẹp của riêng Huế không dễ nơi nào có được.

Đình Nam