Rằng, xưa có ông già sinh được 4 người con. Một hôm thấy mình không còn được khỏe ông đặt một bó đũa và một túi tiền trên bàn rồi cho gọi các con, bảo ai bẻ gãy được sẽ thưởng cho túi tiền. Các con lần lượt thử sức nhưng không ai bẻ gãy được. Ông già bèn tháo bó đũa rồi bẻ gãy từng chiếc một. Các con thắc mắc, ông liền bảo: “Các con đều thấy rằng chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì mạnh. Phải biết hợp quần và đùm bọc lấy nhau, có hợp quần thì mới có sức mạnh”.

Xuất hiện trên đất Phú Xuân - Huế từ đầu thế kỷ 17, sản phẩm của nghề đúc ở làng Dương Xuân (tên gọi khác của Phường Đúc) mấy trăm năm qua đã là thương hiệu nổi tiếng cả nước. Hiện nay, nghề đúc vẫn đang phát triển với 61 cơ sản xuất bao gồm hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã. Không phủ nhận số lượng và sự phát triển khá mạnh mẽ, song có thể thấy yếu tố phân tán, tình hình “mạnh ai, nấy lo” đã khiến nghề đúc gặp khó khăn và yếu thế trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm. Chưa kể, vẫn đang tồn tại những cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở cùng ngành đã làm xấu đi hình ảnh và giảm sút giá trị thương hiệu nghề đúc đồng.

Tạo lập nhãn hiệu tập thể cho nghề đúc đồng do thế được xem là tạo thế “bó đũa” cho ngành nghề có vị thế đặc biệt quan trọng này ở Thừa Thiên Huế phát triển. Ở đây, mỗi cơ sở sản xuất dưới bất kỳ hình thức và quy mô nào cũng đều được xem là những “chiếc đũa” hợp thành “bó đũa”. Hệ quả là, không chỉ ngăn ngừa những biểu hiện cạnh tranh thiếu lành mạnh dẫn tới tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” mà đây còn là điều kiện để các cơ sở nghề đúc hỗ trợ nhau sản xuất kinh doanh, từ việc chia sẻ kinh nghiệm đến việc hợp tác để nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó góp phần nâng cao khả năng xúc tiến thương mại các sản phẩm của làng nghề trên thị trường cả nước.

Không chỉ là chuyện của riêng nghề đúc, việc tạo thế “bó đũa” trong sản xuất kinh doanh đã và đang được Thừa Thiên Huế chú ý. Theo dự thảo kế hoạch phát triển thương hiệu đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế do Sở Công thương soạn thảo, giai đoạn 2014 -2015, tỉnh sẽ xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận từ 3 - 4 sản phẩm (mè xửng Huế, ruốc Huế, bún bò Huế…) và hỗ trợ đăng ký bảo hộ ra nước ngoài từ 01- 02 sản phẩm (bún bò Huế và mè xửng Huế). Tỉnh cũng sẽ tổ chức quản lý khai thác và phát triển quyền sở hữu đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nón lá, tôm chua, dầu tràm. Ngoài ra, tổ chức xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng thông qua việc áp dụng sáng chế của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Một khi đã có nhãn hiệu tập thể với những tiêu chí rõ ràng thì việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị mang tính đặc thù là cách đảm bảo hài hòa lợi ích giữa tập thể và cá nhân trong cả “bó đũa” chung ấy. Đó là sự cần thiết trong sản xuất kinh doanh thời phát triển và hội nhập. Vấn đề không mới khi mà dân gian từng đúc kết: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, nhưng không phải ngành nghề hay địa phương nào cũng nhận ra và có cách làm khả thi.

Đan Duy