Đặc biệt, nó nằm ngay giữa con đường vào loại xưa của đất Thần kinh, có từ thế kỷ 19 nguyên thuộc làng Thọ Lộc (Hương Trà) được sáp nhập vào thành phố Huế với nhiều miếu thờ và phủ đệ của những ông hoàng bà chúa và bây giờ là những dãy nhà cao lớn, dọc ngang. Xưa xứ Huế có câu ca:“Giả đò buôn hẹ bán hành/ Vô ra chợ Cống thăm anh kẻo buồn”, thể hiện cử chỉ và sự ngại ngùng của người con gái khi đến thăm người con trai có nhà ở nơi hướng đường Chợ Cống nổi tiếng danh giá này.

Về cái cổng gỗ bình dị và cổ kính kia, trong một bài nghiên cứu ông Lê Quang Thái có nhận xét ngắn gọn “người sao của vậy” và đó là cái cổng truyền thống mà lúc sinh thời bà chúa này ưa thích nhất. Sử cũ chép lại, An Thường công chúa sinh năm Đinh Sửu (1817), con gái vua Minh Mạng, chị khác mẹ với 2 ông hoàng nổi tiếng xứ Huế là Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương. Lúc còn nhỏ tuổi, hoàng nữ có tên Tam Xuân, lớn lên được vua Minh Mạng dựa vào bản chất và tính khí đặt cho cái tên Nguyễn Phúc Lương Đức. Năm Mậu Thân (1848), đức bà được phong là An Thường công chúa. An Thường là một thuật ngữ Phật học vừa là địa danh làng xã của tỉnh Bắc Ninh, nơi có nhiều người đẹp thông tuệ, nết na và thùy mị.

Là vị công chúa “lá ngọc cành vàng”, vậy mà ai ngờ rằng ông Phan Văn Túy chồng bà và là con trai thứ của Hậu quân Đô thống Chưởng Phủ sự trước khi trở thành phò mã đã có vợ và có con riêng. Chuyện do những bậc bề trên sắp đặt mãi sau này công chúa mới tỏ tường nhưng bà vì nể tình và chuyện cũng đã thành nên lờ đi, rộng lượng không hề phiền trách mà lại còn coi con chồng ở xa như con của mình vậy. Còn tương truyền, có ít tiền của bà lo việc nhà chồng, việc hầu kỵ ở sơn lăng và triều miếu, ban phát cho cháu con, thậm chí cho cả người dân quanh vùng chợ Cống gặp phải gia cảnh khó nghèo, bệnh tật và cô quả. Bà đi mua hàng tại các chợ không bao giờ ép giá. Con cháu bên chồng, bên ngoại ở xa ghé thăm đều được tặng quà và lộ phí.

Khu phủ thờ An Thường công chúa với chiếc cổng khiêm nhường lạ thay qua thời gian và giông bão vẫn cứ vẹn nguyên. Nó như sự hiếm hoi ở vùng xứ mưa này. Và, giữa một không gian đô thị nơi bờ nam sông Hương được tân trang để ngày càng hiện đại hơn, khu phủ thờ như một nét trầm, một điểm lặng làm xao xuyến lòng người. Lại thấm thía hơn về lời nhận xét “người sao của vậy”. “Của” đã thấy rõ ràng, còn “người” đó là một bà chúa, một phụ nữ Huế tiêu biểu giàu lòng vị tha, đức độ, biết hy sinh vì chồng con và có tấm lòng bao dung, biết thương người hoạn nạn, “công, dung, ngôn, hạnh” vẹn toàn. 

(Viết nhân Ngày 8-3)

Đình Nam