Không gian tập gym của sinh viên
Phong cách sinh viên
Ngay từ tên thường gọi, phòng tập gym trong khu nội trú sinh viên đã khu biệt đối tượng người tập. Với tỷ lệ đến hơn 90% là sinh viên trong ký túc xá và khoảng 5% sinh viên sống xung quanh khu vực này nên mọi tiêu chuẩn của phòng tập đều hướng đến sinh viên.
Anh Huỳnh Thanh Hùng, huấn luyện viên phòng tập cho biết, so với các phòng tập khác, kể cả một số phòng gym cho giới trẻ tại TP. Hồ Chí Minh mà anh từng huấn luyện thì không gian phòng tập lại khu nội trú sinh viên ở Huế là khá chuẩn khi rộng hơn 300m2 và có đến 40 loại máy móc, dụng cụ thể tập các nhóm cơ, như máy chạy bộ, massage toàn thân và massage bụng, xe trượt tuyết trên không... Giá cả khá hợp với túi tiền của sinh viên, rẻ hơn thị trường khoảng 20.000 - 50.000 đồng/tháng.
Xu hướng đến phòng gym của sinh viên đặt yếu tố đẹp trên cả sức khỏe, trong đó các sinh viên nam chọn cho mình bài tập hướng đến thân hình cơ bắp, chú trọng phần tập vai, ngực và bụng, còn các bạn nữ lại chọn các bài tập để tăng/giảm cân nhằm đạt vóc dáng chuẩn. Vì thế, ngoài vai trò của dụng cụ, máy móc, huấn luyện viên cũng theo dõi, hỗ trợ khi cần thiết, nhất là trong giai đoạn sinh viên bắt đầu làm quen với các bài tập. “Khả năng kiên trì của sinh viên chưa cao, tính ổn định còn hạn chế do hay gián đoạn giai đoạn hè, tết hay mùa thi nên việc hướng dẫn, động viên và xây dựng kế hoạch, phương pháp cho họ tập để đạt hiệu quả cũng phải nghiên cứu kỹ”, anh Hùng chia sẻ.
Đối với các thành viên “cứng” (hiện có khoảng hơn 100 người), điểm khác biệt nữa với phòng tập bên ngoài là thời gian tập luyện của sinh viên tại phòng tập nội trú khó đảm bảo tính ổn định. Lịch học theo hình thức đăng ký tín chỉ không cố định giờ giấc nên giờ tập của sinh viên cũng linh hoạt thay đổi. Mỹ Thắng, sinh viên tập tại đây chia sẻ: “Khung thời gian mở cửa phòng tập từ 5 giờ 30 đến 10 giờ sáng, 14 giờ 30 đến 21 giờ nên khá thuận lợi cho sinh viên. Hễ rảnh giờ nào, có thể tập giờ đó”.
Tiện & nhiều lợi ích
Đặc điểm chung của sinh viên khi chọn ký túc xá để “thường trú” ngoài yếu tố gần trường còn do thiếu phương tiện đi lại, vì thế khi có phòng tập trong khu nội trú, chỉ cần ít bước chân, họ đã đạt được mục đích mong muốn. Nguyễn Thị Tiền, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế chia sẻ, tiện lợi dễ thấy nhất là những ngày mưa, nếu phải đi các phòng tập bên ngoài, ít nhiều sẽ bị ướt, không thoải mái để tập, trong khi đó, với phòng tập “cạnh bên” phòng ở, mọi khó khăn trên không còn là chuyện phải lo.
Do phòng tập cùng chung đối tượng sinh viên nên việc giao lưu, kết nối cũng trở nên đơn giản. Những sinh viên tại phòng tập này cho biết, bắt đầu từ việc gặp gỡ, cười chào đến hướng dẫn nhau tập nên từ lúc nào, họ trở thành những người bạn hay nhóm bạn thân dù học khác trường. Mối quan hệ này không chỉ thân thiết trong phòng gym, mà khi ra bên ngoài cũng dễ dàng trao đổi, giúp đỡ nhau học tập, rèn luyện các kỹ năng đáp ứng việc học hay sinh hoạt.
Đối với nhiều sinh viên, sự tiện lợi của phòng tập cũng giúp họ thư giãn đầu óc và tập luyện tính kiên trì. Nguyễn Huy, một người tập tại đây chia sẻ, trước đây em cũng đã thử sức ở các phòng tập khác nhưng không đeo đuổi được lâu do mệt mỏi, đau cơ và khá lười khi phải di chuyển trong những điều kiện thời tiết bất lợi. Bây giờ có phòng tập “tại chỗ”, nên hễ học hành căng thẳng lại tìm sang phòng tập để xả stress, dần dần hình thành được thói quen và chịu khó duy trì tập luyện.
Bài, ảnh: Hữu Phúc