Ảnh minh hoạ. Nguồn: AFP 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay, xu hướng đáng lo ngại đối với các trường hợp nhiễm bệnh sởi nổi lên là một hiện tượng gần như toàn cầu, nhưng nguyên nhân lại khác nhau giữa các khu vực.

Ở khu vực châu Âu, các chuyên gia đổ lỗi vấn đề một phần do sự tự mãn và thông tin sai lệch về một loại vắc-xin được chứng minh là hiệu quả và an toàn.

Ông Martin Friede, Giám đốc chủng ngừa, vắc-xin và chế phẩm sinh học của WHO nói với các phóng viên rằng: "Các cáo buộc chống lại vắc-xin mà không có bằng chứng" đã ảnh hưởng đến quyết định của cha mẹ.

Trong khi đó, các trường hợp sởi cũng tăng vọt ở Mỹ Latinh, một phần do "hệ thống y tế sụp đổ ở Venezuela", người đứng đầu Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), ông Seth Berkley cho biết trong một tuyên bố.

"Điều đáng lo ngại hơn sự gia tăng trong các trường hợp được báo cáo là chúng ta đang chứng kiến sự lây truyền bệnh sởi kéo dài ở những quốc gia, nơi mà trước đây chưa từng có lây lan bệnh sởi trong nhiều năm", ông Friede nói thêm.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia, đáng chú ý là Đức, Nga và Venezuela đã bị thu hồi chứng nhận loại bỏ bệnh sởi trong vòng 12 tháng qua.

Một quốc gia mất đi tình trạng loại bỏ bệnh sởi khi “cùng một loại virus hoành hành trong hơn 12 tháng liên tục”, theo WHO.

WHO nhấn mạnh, trước đó, cuộc chiến toàn cầu chống lại bệnh sởi nói chung đã cho thấy những kết quả ấn tượng trong thế kỷ này. Vào năm 2000, có hơn 850.000 trường hợp nhiễm sởi được báo cáo trên toàn thế giới, so với 173.000 trường hợp hồi năm ngoái.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Malaymail & AFP)