Khách qua bến đò ngang Cồn Tộc - Vĩnh Tu không mặc áo phao
Chủ quan
Đến bến đò Cồn Tộc vào một ngày cuối tháng 11, chúng tôi ghi nhận có hàng chục lượt đò ngang chở từ 14 đến 20 người cùng gần số ấy xe máy qua về phá Tam Giang/ngày. Trên đò không một ai mặc áo phao, xe máy cũng được dựng đứng trên thuyền một cách chênh vênh và nguy hiểm.
Theo Trung tá Trần Chí Thanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện Quảng Điền, đơn vị thường phối hợp với ngành chức năng kiểm tra, nhắc nhở người dân lên đò phải mặc áo phao nhưng sau kiểm tra đâu lại vào đấy. Mới đây, chúng tôi đề xuất trang bị phao tròn và phao cầm tay để người dân dễ sử dụng nhưng vẫn chưa tạo được thói quen. Dù chưa có sự cố nào đáng tiếc xảy ra, nhưng không thể chủ quan.
Một số bến đò khác, việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng, đảm bảo các điều kiện an toàn cho người và phương tiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đơn cử như bến Tiên Nộn (Phú Mậu, Phú Vang) chưa có bảng nội quy, chưa có điểm cột neo buộc tàu thuyền; bến Cồn Hến (TP. Huế) chưa có cầu tàu, đường lên xuống bến…
Tại khu vực Đầm Chuồn (Phú An, Phú Vang), dù đang nở rộ dịch vụ đưa đón khách từ bờ ra các nhà hàng nổi trên đầm phá cũng chưa được quản lý chặt chẽ, hình thành các bến tự phát, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, người lái đò không có bằng, chứng chỉ chuyên môn; không trang bị phao cứu sinh, áo phao cho khách...
Tăng cường kiểm tra, quản lý
Số liệu từ Sở Giao thông vận tải, trên địa bàn tỉnh hiện có 10 bến đò ngang, trong đó 8 bến được cấp phép nhưng 2 bến đã hết hạn. Ngoài ra, còn có 9 bến hành khách, 4 bến hàng hóa, 10 bến tổng hợp; trong số này vẫn tồn tại nhiều bến không phép hoặc hết hạn hoạt động.
Cầu phao dân sinh qua sông Hương thuộc địa bàn xã Hương Thọ (TX. Hương Trà) đang bị xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo các điều kiện an toàn phục vụ người dân. Ban ATGT tỉnh đề nghị UBND TX. Hương Trà có giải pháp tăng cường công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng đảm bảo an toàn kỹ thuật và có phương án đảm bảo ATGT mùa mưa lũ năm 2018 và các năm tiếp theo. |
Trong tổng số 597 phương tiện TNĐ có 109 phương tiện đã đăng ký và còn hạn kiểm định, 37 phương tiện đã đăng ký nhưng hết hạn đăng kiểm, 451 phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm. Qua kiểm tra, lực lượng liên ngành còn phát hiện nhiều phương tiện khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản chủ yếu hoạt động ở các hồ, đầm phá chưa được đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển chưa có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
Số liệu thống kê của Ban ATGT tỉnh, 11 tháng năm 2018, lực lượng chức năng đã tuần tra, kiểm soát, phát hiện gần 90 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 120 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 20 trường hợp.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, trong những tháng cuối năm, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo đơn vị quản lý kiểm tra hệ thống biển báo đường thủy, bổ sung hoặc thay thế những phao tiêu, báo hiệu bị hỏng; khảo sát, điều tra về bến TNĐ, phương tiện, thuyền viên, người lái, đơn vị kinh doanh vận tải nhằm tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh công tác đăng ký, đăng kiểm an toàn kỹ thuật phương tiện. Đồng thời, phối hợp với các địa phương xử lý những bất cập, tồn tại, để lập lại trật tự ATGT đường TNĐ trên địa bàn. Cùng với kiểm tra sẽ đẩy mạnh tuyển sinh, đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn, bằng lái cho học viên, đảm bảo nhu cầu về bằng lái phù hợp với phương tiện điều khiển.
Thái Bình