Về phát triển du lịch, trước đây đọc trong các báo cáo kinh tế-xã hội hàng năm của huyện, tôi đã từng được biết là huyện xác định du lịch là thế mạnh của huyện. Đó là có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp; có văn hóa truyền thống của bà con đồng bào phong phú và độc đáo; là một chiến trường ác liệt trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc có thể khai thác để phát triển mảng du lịch thăm chiến trường xưa… Đánh giá về thế mạnh là thế nhưng suốt một thời gian dài ít thấy mô hình du lịch nào được tổ chức phát triển một cách qui củ.

Nhưng nay thì khác, có định hướng rõ ràng và đã bắt tay vào làm thật sự. Lãnh đạo huyện đã đi tham quan nhiều nơi để học hỏi mô hình du lịch cộng đồng và về lại địa phương, với những thế mạnh hiện có, huyện đã chọn hai xã Hồng Hạ và A Roàng phát triển du lịch cộng đồng. Sản phẩm của du lịch cộng đồng là: tổ chức cho du khách trải nghiệm cảnh quan sinh thái tại địa phương; cảm nhận đời sống và những nét văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Ví như: ở Hồng Hạ thì tắm suối, lưu trú tại các homestay được xây dựng theo lối nhà sàn của bà con đồng bào; A Roàng cũng làm dịch vụ lưu trú tương tự và xem bà con đồng bào dệt zèng; thưởng thức các món ẩm thực bản địa, tắm suối nước nóng A Roàng. Rất rõ ràng, cụ thể và kết quả là du khách đến với hai địa điểm này của A Lưới nhiều hơn. Chúng ta không thể hình dung được Hồng Hạ lại là nơi thu hút khách du lịch rất đông vào mùa hè. Đối với A Lưới, có thể nói đây là một cách tổ chức làm du lịch thành công. Làm du lịch gắn với các sản phẩm du lịch đặc trưng hẳn hoi. Đã phát huy được tính đặc trưng thì khả năng phát triển bền vững là rất cao. Vấn đề còn lại là phải biết phát huy, ngày càng tổ chức tốt hơn mà thôi.

Trong phát triển kinh tế thì chúng ta nhận thấy có hai sản phẩm mới, được tổ chức làm khá bài bản. Đó là trồng sim, hướng đến sản xuất sản phẩm rượu sim, trà sim và một số loại sản phẩm khác; nuôi bò, xây dựng thương hiệu sản phẩm bò A Lưới.

Điều này không còn là mô hình mà huyện đã bắt tay vào làm. Đối với sản phẩm sim đã xây dựng vùng nguyên liệu khoảng 30 ha; xây dựng nhãn mác thương hiệu. Huyện đã tổ chức một đoàn đích thân Chủ tịch UBND huyện và các ngành chức năng, một số nông dân tiêu biểu vào tận Phú Quốc để học hỏi kinh nghiệm và về tổ chức cho nông dân phục hồi chăm sóc những vùng sim mọc tự nhiên tập trung; tổ chức học tập kỹ thuật và tổ chức những vùng qui hoạch trồng mới.

Với điều kiện tự nhiên của huyện A Lưới là khí hậu mát mẻ, diện tích đất có thể phát triển trồng cỏ nhiều, A Lưới đã lập đề án phát triển đàn bò trên địa bàn huyện và xây dựng thương hiệu sản phẩm bò A Lưới. Thực ra, ở A Lưới, với truyền thống lâu đời, bà con đồng bào bản địa đã nuôi bò từ lâu, tuy nhiên chưa đi theo hướng thâm canh. Để phát triển quy mô lớn, huyện xác định phải đi theo hướng thâm canh. Tương tự, huyện đã tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm, đích thân Chủ tịch UBND huyện đi các nơi như Bình Định, Thanh Hóa – những nơi đã có nhiều kinh nghiệm trong phát triển đàn bò thương phẩm.

Sự bổ sung những định hướng trong phát triển kinh tế với các mô hình mới như vừa nêu, nếu làm tốt, cùng với việc phát triển các sản phẩm có thế mạnh trên địa bàn như trồng rừng, trồng cao su và các sản phẩm hàng thủ công truyền thống, chắc chắn A Lưới sẽ có điều kiện phát triển vượt bậc.

Bình Lê