Lo lắng về các nguy cơ

Với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”, diễn đàn thu hút 100 học sinh đến từ 9 huyện, thị xã và TP. Huế. Đây là dịp để các bạn nhỏ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng về những vấn đề liên quan trong cuộc sống, đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành. Đồng thời, cũng là cơ hội cho trẻ phát triển năng lực cá nhân, tự tin, chủ động rèn luyện kỹ năng.

Trẻ em trao thông điệp cho lãnh đạo tỉnh

Không khí đối thoại giữa các em học sinh và các vị lãnh đạo cởi mở, sôi nổi kéo dài đến 5h chiều. Mở đầu phần đối thoại, đại diện học sinh đến từ thị xã Hương Trà băn khoăn: Internet và mạng xã hội bên cạnh những tích cực còn có mặt tiêu cực, vậy nên sử dụng thế nào cho hiệu quả? Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, internet vẫn cần tiếp cận, nếu không sẽ lạc hậu. Tuy nhiên, internet và mạng xã hội như con dao hai lưỡi, có nhiều tác hại cần phòng tránh.

Kể chuyện một đứa bé ở TP. Hồ Chí Minh được gia đình đưa về Huế để cai nghiện internet do bị trầm cảm, ông Hùng khuyên các em phải biết làm chủ khi tham gia vào môi trường mạng, sử dụng internet một cách thông minh. Trẻ em chỉ nên sử dụng mạng xã hội phục vụ cho học tập, kết nối bạn bè, không nên chơi game quá nhiều cũng như vào các trang mạng không phù hợp với lứa tuổi. Nếu sa đà vào mạng xã hội sẽ dễ sa vào cuộc sống ảo là điều ông Hùng lưu ý.

Trả lời lo lắng của một học sinh A Lưới về nguy cơ bé gái ở vùng sâu, vùng xa có thể bị dụ dỗ qua mạng xã hội, anh Lê Viết Phương, Bí thư Đoàn Công an tỉnh nhắc nhở trẻ em khi tham gia mạng xã hội cần bảo mật thông tin về nhân thân, không đăng tải địa điểm mình sắp có mặt. Đồng thời, cẩn trọng khi kết bạn trên mạng xã hội, cảnh giác trước những lời hứa hẹn, tặng quà của những người quen qua mạng. Phía phụ huynh cần lưu ý khi đăng tải hình ảnh của con lên mạng cũng như thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn con phòng tránh các nguy cơ.

Những vấn đề trẻ em quan tâm được trao đổi thẳng thắn, cởi mở tại diễn đàn

Để tránh nguy cơ bị xâm hại tình dục, bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhắc nhở trẻ em tránh những nơi cảm thấy không an toàn, nâng cao tinh thần cảnh giác, cương quyết từ chối các hành vi xâm hại. Đồng thời, hãy là người thông thái khi sử dụng dịch vụ internet để bảo vệ chính mình.

Một học sinh Phú Vang cho rằng, nhiều bậc phụ huynh luôn thường trực trong tay chiếc điện thoại nên ít dành thời gian để trò chuyện với con cái. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Mãi, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao đặt câu hỏi ngược lại với các bạn học sinh, rằng liệu các em đã chủ động nói lên mong muốn được trò chuyện, chia sẻ với ba mẹ? Ông Mãi cho hay: “Đúng là điện thoại thông minh giúp mọi người tiếp cận thế giới gần hơn nhưng tạo ra khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình. Nếu các cháu lên tiếng, chắc chắn ba mẹ sẽ có sự điều chỉnh. Ngay các cháu cũng sử dụng điện thoại nhiều nên cũng phải thay đổi và yêu cầu cha mẹ thay đổi”.

Ngoài những nguy cơ, tác hại từ mạng xã hội thì bạo lực học đường, bạo lực gia đình, tai nạn đuối nước, trẻ bỏ học sớm cũng là những vấn đề trẻ em quan tâm tại buổi đối thoại.

Cần môi trường an toàn

Bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cho rằng, lắng nghe trẻ em nói là một yêu cầu đồng thời là trách nhiệm của các cấp, ngành đối với những chủ nhân tương lai của đất nước. Khi trên bàn nghị sự của các cấp đang dồn dập những thông tin báo động về tình hình xâm hại, lạm dụng tình dục, bạo lực ngược đãi trẻ em, cũng chính là lúc các em cần những người bạn lớn thấu hiểu và quan tâm.

Trao quà cho học sinh khó khăn

Những vấn đề các em muốn nói thông qua các tiểu phẩm và những câu hỏi thể hiện rằng, thế giới công nghệ số càng phát triển, trẻ em càng có nguy cơ đối mặt với một môi trường sống thiếu an toàn. Theo bà Phan Minh Nguyệt, khoa học công nghệ số phát triển giúp trẻ em tiếp cận, kết nối thông tin phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và biểu đạt quan điểm nhanh chóng. Tuy vậy, lại tiềm ẩn nguy cơ trẻ chịu nhiều rủi ro, bị xâm hại nếu không có kỹ năng chọn lọc, sử dụng thông tin. “Thế giới mạng là ảo, song những tổn thương, những sang chấn tâm lý với trẻ em là có thật”, bà Nguyệt nhấn mạnh.

Qua diễn đàn, Trần Thị Phương Nhi, học sinh Trường THCS Thủy Phương, thị xã Hương Thủy gửi đến các lãnh đạo thông điệp: “Chúng cháu cần được rèn luyện những kiến thức tiếp cận thế giới công nghệ số đúng đắn, hiểu biết kỹ năng toàn diện để có thể tự bảo vệ mình phòng tránh những nguy cơ. Một môi trường sống lành mạnh, an toàn, không còn những trẻ em bị bạo hành, bị lạm dụng, bắt cóc, đánh đập, ngược đãi, bỏ rơi… là điều chúng cháu mong muốn”.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh -Phan Thiên Định ghi nhận và chia sẻ những điều các bạn nhỏ quan tâm. Những điều các bạn học sinh chuyển tải, lãnh đạo tỉnh sẽ cùng với các ngành cụ thể hóa bằng các chính sách. “Công nghệ số là bước phát triển nhảy vọt của loài người để chúng ta tiếp cận với thế giới, tuy vậy, các cháu cần tăng sức đề kháng khi tham gia vào thế giới ảo”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở khi kết thúc diễn đàn đối thoại.

Trong phiên thứ nhất của diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” diễn ra sáng cùng ngày, 9 đội thi đến từ 9 huyện, thị xã và TP. Huế tham gia cuộc thi hùng biện với chủ đề “Trẻ em với sự phát triển quê hương xanh, sạch, đẹp”.

Dịp này, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh phối hợp với tổ chức Rock – Paper – Scissros Children’s Fund và Kho Bạc Nhà nước tỉnh trao 50 chiếc xe đạp và mũ bảo hiểm cho 50 học sinh nữ, mỗi suất trị giá 1.500.000 đồng; 20 suất học bổng, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho học sinh nghèo vượt khó.

Bài, ảnhMinh Hiền