Tình trạng làm việc dưới tải này đã dẫn đến một thực tế là số bệnh viện “chết” và “ngắc ngoải” chiếm khoảng 50% trên tổng số 170 bệnh viện tư trên địa bàn cả nước là một thông tin khác cũng từ ông Nguyễn Văn Đệ. Nếu hệ thống này vận hành tốt thì nguồn lực đầu tư vào khoảng trên 300.000 tỷ đồng sẽ là một nguồn tài chính rất lớn phục vụ cho việc giảm tải bệnh viện, và ngược lại, sẽ là một sự quá lãng phí tài sản xã hội.
Phí y tế cao hơn do phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực... là điều hẳn nhiên. Song điều cơ bản nhất mà một số nhân sự cấp cao của các bệnh viện tư cho hay là họ đang mắc phải chính là tâm lý “sính” bệnh viện nhà nước hơn bệnh viện tư từ phía người bệnh. Tuy nhiên khi đặt vấn đề “san sẻ” bớt bệnh nhân để giúp các bệnh viện này giảm bớt áp lực tài chính thì vấn đề mấu chốt mà các bệnh viện công đặt ra ở đây lại là, liệu các bệnh viện công có đủ năng lực để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật? Liệu người bệnh có chấp nhận chuyển từ bệnh viện chi phí thấp sang bệnh viện chi phí cao trong khi chất lượng chưa chắc đã cao hơn? Bên cạnh đó là những vấn đề khác về tinh thần trách nhiệm, cơ chế tài chính, quy định bác sĩ làm ngoài giờ...
Có thể lấy làm mừng là vấn đề này chưa phải là áp lực với Thừa Thiên Huế, cho dù trong thời gian qua, trên địa bàn đã có một bệnh viện phải đóng cửa sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động. Số giường bệnh/bệnh viện tư nhân chỉ chiếm khoảng 6% tổng số giường bệnh trên địa bàn nên hẳn nhiên, khó có điều kiện và khả năng về nhân lực, vật lực cũng như trình độ chuyên môn cao trong tương quan so sánh với hệ thống bệnh viện công - dẫn đầu là Bệnh viện Trung ương Huế - nhưng điều tương đối khác với các bệnh viện tư ở nhiều địa phương khác, công suất của bệnh viện tư trên địa bàn tương đối khá và gần như cũng tương đương với với tỷ lệ trên 90% của các bệnh viện thuộc sự quản lý của Sở Y tế tỉnh. (Hiện ngoại trừ Bệnh viện ngoại khoa Nguyễn Văn Thái đang tạm dừng hoạt động để chờ cấp giấy phép mới và một số điều kiện cần tăng cường về cơ sở vật chất, hai bệnh viện còn lại Đa khoa Hoàng Viết Thắng và Chấn thương chỉnh hình có công suất hoạt động khá). Điều ấy cũng có nghĩa là, tình trạng làm việc dưới tải ở hai bệnh viện tư tuy có, nhưng không quá nhiều (Thanh Hoá có 6 bệnh viện tư thì chỉ có 1 bệnh viện còn hoạt động - nguồn VTV). Các bệnh viện tương đối bình đẳng với nhau trong khám chữa bệnh là chia sẻ của Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Hữu Nam trong cuộc trao đổi nhanh với chúng tôi vào sáng 17-3. Bình quân lượt khám chữa bệnh vào khoảng 15%-20% tổng số lượt khám chữa bệnh của hệ thống y tế địa phương trong năm 2013 là một đóng góp của các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn, trong đó có sự đóng góp đáng kể trong khám và điều trị ở bệnh viện tư. 2 bệnh viện này cũng đã nhận khám, chữa bệnh cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế.
Có lẽ còn có nhiều vấn đề khác cần tiếp tục được thảo luận, chia sẻ... trong hoạt động của các bệnh viện tư. Và bên cạnh vấn đề về công suất, hệ số khám, chữa bệnh, điều mà người dân quan tâm cũng như ổn định được hoạt động của tuyến bệnh viện tư chính là ở chỗ, đó là hoạt động của doanh nghiệp đặc biệt và phải có một hệ số trên tải về tinh thần, thái độ phục vụ và một hệ số vừa tải hợp lý về chi phí nữa...