ADB kỳ vọng khu vực châu Á đang phát triển sẽ đạt mức dự báo tăng trưởng trong năm nay và năm tiếp theo. Ảnh: AFP

Trong báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á năm 2018, ADB giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng khu vực cho năm 2018 ở mức 6% và 5,8% cho năm 2019.

Giá cả hàng hóa quốc tế thấp hơn và động thái của các ngân hàng trung ương sẽ làm dịu biến động thị trường, có nghĩa là lạm phát ở khu vực châu Á được dự báo ở mức 2,6% trong năm 2018, và 2,7% trong năm 2019, giảm từ mức 2,8% được dự báo trước đó cho cả năm nay và năm tới, theo ADB.

Cụ thể, tăng trưởng ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới vẫn được dự báo ​​ở mức 6,6% trong năm 2018, và 6,3% vào năm tới.

Động lực tăng trưởng tiếp tục duy trì ở Ấn Độ nhờ xuất khẩu hồi phục, cũng như sản lượng nông nghiệp và công nghiệp cao hơn. Tăng trưởng ở nền kinh tế này được dự báo đạt 7,3% trong năm 2018 và 7,6% vào năm 2019.

Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở khu vực Trung Á năm 2019 được dự báo ở mức 4,3%, tăng so với mức dự báo 4,2% được đưa ra hồi tháng 9, nhờ sự phục hồi của đầu tư công và sản lượng cao hơn từ mỏ khí Shah Deniz giúp tăng cường triển vọng ở Azerbaijan.

Tại khu vực Nam Á, tăng trưởng năm 2019 đang được giữ ở mức 7,1%, so với mức dự báo 7,2% trong tháng 9. Khu vực Đông Nam Á dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm 2019, so với dự báo trước đó là 5,2%. Nền kinh tế Thái Bình Dương đang trên đà mở rộng 3,1% vào năm 2019.

Trong một động thái liên quan, nhà kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada nhận định, căng thẳng thương mại chưa được giải quyết giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là rủi ro đối với triển vọng kinh tế trong khu vực.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ ADB)