Trong Chỉ số Khoảng cách Giới của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm nay, Philippines đạt điểm số cao nhất trong số các quốc gia châu Á. Ảnh: Reuters

Báo cáo Chỉ số Khoảng cách Giới Toàn cầu năm 2018 xếp hạng 149 quốc gia về các chỉ số y tế, giáo dục, kinh tế và chính trị, bao gồm bình đẳng tiền lương, trình độ học vấn và đại diện trong Chính phủ quốc gia.

Philippines được xếp hạng cao nhất khu vực châu Á, và ở vị trí thứ 8 trên bảng xếp hạng toàn cầu, tăng 2 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái. Quốc gia này cho thấy sự cải thiện về các yếu tố kinh tế, với sự bình đẳng tiền lương và thu nhập của nữ giới tăng lên. 

Khoảng cách giới của Philippines đã hoàn toàn khép kín đối với chỉ số trình độ học vấn. Hiệu suất của quốc gia này cũng tương đối cao đối với chỉ số trao quyền chính trị, đứng ở vị trí thứ 13 trong bảng xếp hạng toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), 30% số ghế trong Quốc hội Philippines do nữ giới nắm giữ hồi năm 2017, quốc gia này cũng từng có 2 nữ Tổng thống.

Tiếp theo trong bảng xếp hạng khu vực châu Á là Lào ở vị trí thứ 26, tăng 38 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái. Quốc gia này cũng cho thấy sự tiến bộ về trình độ học vấn của nữ giới.

Trong khi đó, các nền kinh tế lớn nhất châu Á gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong số các quốc gia G20 xếp hạng thấp nhất dưới top 100, đạt số điểm thấp hơn mức trung bình toàn cầu.

Ngoài ra, các quốc gia Đông Nam Á chủ yếu nằm ở những vị trí giữa và thấp hơn trong bảng xếp hạng.

Thái Lan ở vị trí thứ 73, đánh dấu sự thu hẹp khoảng cách giới đối với trình độ học vấn. Brunei tăng 12 bậc lên xếp hạng thứ 90, thu hẹp khoảng cách về sự tham gia của lực lượng lao động nữ. Malaysia cũng tăng hạng lên thứ 101, ghi nhận sự đại diện lớn hơn của nữ giới trong Quốc hội.

Đáng chú ý, châu Á vẫn còn một chặng đường dài để đạt được bình đẳng giới, khi báo cáo dự đoán khu vực Nam Á sẽ mất 70 năm để thu hẹp hoàn toàn khoảng cách với tốc độ hiện tại, trong khi con số này kéo dài hơn nhiều đối với khu vực Đông Á và khu vực Thái Bình Dương, ở mức 171 năm.

Nhìn chung, bình đẳng giới được dẫn đầu bởi các quốc gia châu Âu nhỏ hơn, với Iceland, Na Uy và Thụy Điển là những quốc gia có điểm số cao nhất. Khoảng cách giới toàn cầu đã thu hẹp đôi chút trong năm nay, cùng sự tiến bộ về bình đẳng thu nhập và đại diện của nữ giới trong các vai trò lãnh đạo.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Nikkei)