Hai lần kéo cờ lên Kỳ đài Ngọ Môn
Nhớ lại ngày cả Trung đoàn hành quân trở lại giải phóng Huế sau 7 năm xa Huế từ cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 68, cựu Đại tá Huỳnh An dẫu đã quá tuổi bát tuần vẫn sôi nổi, hồ hởi như năm nào, ông kể: “Ngày 23/3/1975, Trung đoàn 6 bộ binh và Trung đoàn 271 tiến công vào Huế theo cánh Tây. Đang đánh địch ở đường 12, được lệnh hành quân cấp tốc đánh thẳng vào Huế. Ngày 24/3, hai trung đoàn vượt qua tuyến phòng thủ của địch đánh chiếm làng Đình Môn, Kim Ngọc chuẩn bị vượt sông Tả Trạch, gặp hỏa lực địch phản kích dữ dội phải dừng lại chiến đấu, đến tối 25/3 mới vượt qua sông tiến về Huế. Trên đường tiến về Huế, Trung đoàn đã đánh chiếm lăng Khải Định, chiếm Ga Huế, Khách sạn Morin, giải phóng khu vực phía nam thành phố. Thừa thắng, Trung đoàn chia làm hai mũi vượt qua cầu Trường Tiền, cầu Phú Xuân tiến vào Thành nội. 6 giờ sáng ngày 26/3/1975, Trung đoàn 6 bộ binh đã cắm lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, dài 12m, rộng 8m lên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, báo hiệu thời khắc lịch sử: Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng”.
Cựu Đại tá Huỳnh An cùng đồng đội năm xưa tại buổi gặp mặt Trung đoàn ở Hà Nội, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (10/10/2010) và kỷ niệm 45 năm thành lập Trung đoàn
|
Mỗi dịp tháng 3 về, những cựu chiến binh của Trung đoàn lại tìm nhau về với Thừa Thiên Huế. Những người con của Trung đoàn người Bắc, kẻ Nam, nhưng với Huế đó là máu thịt. Đại tá Vũ Đức Hậu, quê ở Ninh Bình, nguyên Chính ủy Trung đoàn, tham gia chỉ huy đơn vị chiến đấu giải phóng Huế năm 1975 trong một lần gặp mặt, xúc động nói: Tôi là người lính của Trung đoàn có mặt ngay từ ngày mới thành lập cho đến ngày về giải phóng Huế. Chúng tôi gắn bó với mảnh đất Trị Thiên Huế bằng sự hy sinh xương máu cho từng tấc đất. Chúng tôi kiêu hãnh dưới lá quân kỳ, bởi đã hai lần anh dũng tiến quân giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế. Hai lần cắm cờ lên kỳ đài Huế trong cuộc tổng tiến công Xuân 1968 và thời khắc 26/3/1975. Trên 12.000 chiến sĩ cùng hàng chục ngàn chiến sĩ khác đã gửi lại một phần thân thể mình trên chiến trường Trị Thiên khói lửa. Bởi thế, Thừa Thiên Huế là quê hương của chúng tôi.
Nơi con đường mùa xuân đi qua
Con đường 12 chiến lược là con đường nâng bước chân hành quân thần tốc của Trung đoàn từ núi rừng miền Tây A Lưới về giải phóng Huế, 26/3. Câu chuyện đường dài được bắt đầu từ ngôi nhà nhỏ của Đại tá Phan Sỹ Khứ vị Tham mưu trưởng của Trung đoàn 6 năm xưa nằm giữa khu vườn rực rỡ sắc hoa dưới chân đồi Thiên An thơ mộng. Sinh năm 1940, quê xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), năm 1960 ông Khứ đi bộ đội, tham gia chiến đấu trong đội quân tình nguyện Lào, giữa năm 1963 lên đường vào Nam chiến đấu trong đội hình của Trung đoàn. Ông Khứ nhớ lại: Cuối năm 1974, các đơn vị chủ lực tác chiến ở Trị - Thiên, trong đó có Trung đoàn 6, được lệnh hành quân ra Cùa (vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị) để tập huấn. Trung đoàn 6 được bổ sung quân số, trang bị vũ khí đầy đủ. Đặc biệt là sự xuất hiện của các đơn vị chủ lực của Bộ (Tổng tham mưu) như Sư đoàn 324, 325 với đủ các binh chủng… đã tạo nên động lực, niềm tin mãnh liệt cho tất cả cán bộ chiến sĩ Trung đoàn hướng về thành Huế.
Con đường 12 bây giờ là Quốc lộ 49, nối đường Hồ Chí Minh ở A Lưới về với biển qua Huế. Con đường lịch sử này không còn gian truân, đèo cao, vực sâu như năm xưa mà được thảm nhựa phẳng phiu. Dọc hai bên đường là trập trùng đồi núi xanh thẳm và làng quê mới định cư sau giải phóng đang khởi sắc trong tiến trình đổi mới. Tại km30, chúng tôi ghé thăm một trang trại của một chiến sĩ Trung đoàn 6, người có mặt trong đoàn quân giải phóng Huế năm 1975, ông là Nguyễn Ngọc Hãn, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa. Ký ức của ông là chuyến vượt sông Hương ở thượng nguồn bằng bè chuối cùng đồng đội cho kịp sớm về Huế sáng 26/3. Kể từ ngày tiếp quản Huế, ông công tác tại Thành đội Huế cho đến khi nghỉ hưu năm 1995. Gắn bó với mảnh đất mình từng thấm máu (ông bị thương trong trận chiến đấu ở cứ điểm 300 năm 1974), năm 1992, ông đưa vợ con ở quê nhà vào Huế định cư. Ông không chọn phố phường mà chọn vùng núi Bình Thành, ven Quốc lộ 49 tiếp tục lập nghiệp sau khi giải ngũ. Bằng nghị lực phi thường của người lính, vượt qua những năm tháng gian truân, khai hoang phục hóa, giờ đây Nguyễn Ngọc Hãn đã trở thành một ông chủ trang trại vùng đồi Bình Thành có tiếng. Với 5 ha cây cao su (1,5 ha đã cho thu hoạch), 2 ha quýt và cây ăn quả, trầm hương… mỗi năm ông thu nhập chừng 150 triệu đồng. Sau ngày ra quân, ông đã được người dân Bình Thành tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐND xã, Chủ tịch Hội CCB xã. Giờ đây ông là chủ nhiệm CLB Doanh nhân - chủ trang trại CCB thị xã Hương Trà. Ông Nguyễn Ngọc Hãn tâm sự: “Con đường này từng nâng bước đoàn quân giải phóng, giờ đây là con đường để xây dựng cuộc sống mới… Núi rừng đã liền mạch với đồng bằng. Bốt Đỏ, Hồng Hạ, Bình Điền… đang trên đường trở thành chuỗi đô thị miền tây Huế. Huế mình rồi sẽ là đô thị loại một trực thuộc Trung ương phải không các anh?”...
Ghi chép: Tâm Hành