Ở một số ngành nghề, nữ giới chỉ chiếm 22% lực lượng lao động. Ảnh: CNBC

Nguyên nhân

Báo cáo mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới chỉ ra rằng, sự phát triển của nhiều ngành nghề trong các ngành công nghiệp mới nổi như IT, kỹ sư gây nên những ảnh hưởng không cân xứng đối với phụ nữ. Hậu quả là tiến trình phát triển theo hướng này ngày càng làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng trong chi trả giữa hai giới.

Khoảng cách chi trả về giới – vấn đề được biết đến là sự khác nhau giữa thu nhập trung bình của nam và nữ đã được thu hẹp khá nhiều trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường rất dài, ước tính chính xác vào khoảng 202 năm để đạt đến mức chi trả tương đương giữa lao động ở cả hai giới. Trong một số trường hợp, mức ước tính này thậm chí còn có thể kéo dài hơn nếu thế giới không hành động và đạt được tiến bộ trong công tác trao nhiều quyền hơn cho phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động.

Trả lời phỏng vấn, Giám đốc quản lý và cũng là người đứng đầu Chương trình nghị sự kinh tế - xã hội tại Diễn đàn kinh tế thế giới Saadia Zahidi cho hay, có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự bất bình đẳng này. Đầu tiên, những vị trí, vai trò vốn được đảm nhận bởi nữ giới như dịch vụ hành chính, dịch vụ khách hàng đã và đang bị “tự động hóa” bởi công nghệ mới. Thứ hai, những vai trò đang phát triển mạnh như machine learning (máy học – ngành học cung cấp cho máy tính khả năng học hỏi mà không cần lập trình rõ ràng) và vai trò của dữ liệu lớn (big data) trong lĩnh vực công nghệ thông tin thường chú trọng ưu tiên thực hiện bởi nam giới, mà cụ thể là do năng lực của nữ thường ít nội trội hơn.

Sự mất cân bằng đáng chú ý nhất là trong ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo công nghệ cao. Tại đây, khoảng cách về giới thậm chí còn lớn gấp 3 lần so với những ngành nghề khác. Cụ thể, số lượng nữ giới làm việc trong ngành chỉ chiếm 22% lực lượng lao động.

Hướng giải quyết cho hậu quả tiêu cực

Theo nhận định của chuyên gia, không chỉ làm trầm trọng khoảng cách chi trả về giới, cản trở tiến trình hướng đến bình đẳng giới, vấn đề này còn ảnh hưởng trực tiếp đến công nghệ. Được biết, mục tiêu cuối cùng của trí tuệ nhân tạo là tạo nên máy móc suy nghĩ, hành động tương tự con người. Tuy nhiên, khi trí tuệ nhân tạo được thiết lập và điều khiển chủ yếu bởi nam giới, nguy cơ lớn của tình trạng mất cân bằng về giới trong công nghệ cũng có thể xảy ra.

Để giải quyết, một số ngành công nghiệp và tổ chức đang triển khai nhiều chính sách khuyến khích nữ giới tham gia nhiều hơn vào các công nghệ mới nổi. Trong đó đứng đầu là lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phi lợi nhuận – nơi tài năng của phụ nữ được thể hiện rõ rệt và hiệu quả hơn đàn ông.

Là một trong những yếu tố quan trọng, bản báo cáo của WEF cũng khẳng định rằng: “Sự đa dạng, bao gồm cả đa dạng về giới và đa dạng trong quan điểm của các nhà cải cách là rất cần thiết để đảm bảo cơ hội cải thiện kinh tế dựa trên sự hỗ trợ của AI sẽ không làm trầm trọng khoảng cách về giới”.

Đan Lê (Lược dịch từ CNBC)