Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh kết hợp với đới gió đông hoạt động mạnh dần nên từ nay đến ngày 30/12 ở tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Tổng lượng mưa tính từ ngày phổ biến từ 100 - 200mm, có nơi trên 250mm, nguy cơ xảy ra lũ ở vùng thấp trũng, trong đó có xã Quảng Phước là một trong những địa bàn “xung yếu”. 

Chủ tịch UBND xã Quảng Phước, bà Nguyễn Thị Hiền thông tin: Khi xảy ra lũ lụt, hầu hết các thôn trên địa bàn xã đều bị ngập, song nặng nhất vẫn là hai thôn Mai Dương và Thủ Lễ, riêng Mai Dương như một “ốc đảo” gần như bị cô lập. Các lực lượng đến kiểm tra, nắm bắt tình hình và cứu trợ tại các thôn đều phải sử dụng đò máy công suất lớn 25 CV trở lên.

Ngập lụt ở Quảng Phước trong các đợt lũ mới đây

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Quảng Phước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án sơ tán khoảng 300 hộ của hai thôn Mai Dương và Thủ Lễ khi cần thiết. Trong điều kiện bão, lũ nhẹ thì các hộ ở nhà tạm sẽ được bố trí tại các nhà kiên cố, hai tầng của người dân trong thôn, nhà cộng đồng thôn. Nếu xảy ra bão, lũ dâng cao (ngập 1,5-2 mét) thì toàn bộ các hộ dân của các thôn này đều buộc phải sơ tán đến các công trình cao tầng như trụ sở UBND xã, các trường học.

Chính quyền địa phương đã thành lập “đội phản ứng nhanh” gồm hơn 10 người của các thôn. Lực lượng này có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình tại các thôn trước, trong và sau bão, lũ. Khi có tình huống xảy ra các thành viên thông báo với các cấp, phối hợp với các lực lượng công an, xã đội… triển khai công tác ứng phó, cứu hộ, cứu nạn. Vào đầu mùa bão, lũ hằng năm, “đội phản ứng nhanh” được tập huấn, rèn luyện nghiệp vụ, thành thạo địa bàn, các khu vực “trọng yếu” bị ngập, sẵn sàng, chủ động triển khai ứng phó các tình huống.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Phước thông tin, qua kiểm tra tại các thôn, hầu hết các hộ dân đều dự trữ đầy đủ lương thực, thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm đảm bảo phục vụ đời sống, sinh hoạt trong mùa bão, lũ. Nhiều hộ còn mua sắm xuồng, đò phục vụ đi lại. UBND xã cũng đã chuẩn bị 10 tấn gạo và 3.000 thùng mì ăn liền, 300 lít dầu hỏa và hàng trăm thùng nước suối, muối, đèn pin… phục vụ cứu trợ cho dân khi bị ngập lũ kéo dài, gặp khó khăn về lương thực và các loại nhu yếu phẩm.

Cùng với Quảng Phước, các địa phương thấp trũng trên địa bàn huyện Quảng Điền đang tập trung rà soát, kiểm tra và triển khai phương án ứng phó nguy cơ  ngập lũ, sơ tán dân vùng thấp trũng đến nơi an toàn.

Tin, ảnh: Hoàng Triều