Du lịch bằng khinh khí cầu đang được nhiều du khách yêu thích. Ảnh: The ASEAN Post

Được thiên nhiên ưu đãi với những khu rừng rộng lớn và hệ động, thực vật phong phú, cùng nhiều hòn đảo, núi... phù hợp để khám phá, Đông Nam Á luôn được biết đến với những địa điểm du lịch phiêu lưu đẳng cấp và hành trình du lịch ở đây luôn được quảng bá trên thị trường theo hình thức này.

Kế hoạch chiến lược du lịch ASEAN (ATSP) giai đoạn 2016 – 2025 nêu rõ du lịch mạo hiểm nên được chú trọng đầu tư phát triển tại khu vực này.

Trong một ý kiến khác có liên quan, theo định nghĩa của chiến lược tiếp thị du lịch ASEAN (ATMS) giai đoạn 2017-2020, du lịch mạo hiểm là một hình thức du lịch, trong đó bao gồm khám phá hoặc thăm thú cảnh quan, du lịch đến các vùng sâu, vùng xa, mới lạ, thậm chí là nguy hiểm. Trong đó, loại hình du lịch này khiến nhiều người thích thú khi cho phép du khách bước ra ngoài vùng an toàn và tham gia trải nghiệm một số hoạt động như leo núi, nhảy bungee, đạp xe leo núi, chèo thuyền vượt thác, leo núi trong nhà...

Mặc dù hai loại hình du lịch mạo hiểm là chèo thuyền vượt thác và leo núi trong nhà đã rất nổi tiếng, luôn nằm trong danh sách hoạt động yêu thích của những người nghiện cảm giác mạnh ở Đông Nam Á, song tính đến thời điểm hiện tại, trải nghiệm du lịch bằng khinh khí cầu đang từng bước trở nên phổ biến.

Để chứng minh, bên cạnh một số lễ hội lớn khác, một sự kiện quan trọng cho những người đam mê khinh khí cầu ở Malaysia là lễ hội khinh khí cầu quốc tế Putrayaja, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 28 – 31/3 sắp tới. Được tổ chức đến nay là lần thứ 10, đơn vị tổ chức AKA Ballon dự kiến sẽ có khoảng 20 khinh khí cầu của nhiều quốc gia như Bỉ, Ấn Độ, Malaysia, Tây Ban Nha, Đài Loan, Thái Lan và Anh sẽ tham gia sự kiện, hứa hẹn sẽ thu hút rất đông du khách.

Được biết, không chỉ riêng ASEAN mà trên toàn thế giới, nhiều chính phủ và nhà tài trợ cũng nhận ra giá trị trong việc sử dụng khinh khí cầu như một công cụ phát triển du lịch.

Với việc đẩy mạnh quảng bá các lễ hội khinh khí cầu để thu hút du khách, ASEAN có thể tăng mức đóng góp trực tiếp của du lịch vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong đó, mức đóng góp vào năm 2017 đạt 135,8 tỷ USD (4,9% GDP) và đang có xu hướng tăng trưởng đều đặn hơn.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ The ASEAN Post)