Festival Huế là một ví dụ. Qua 8 lần tổ chức, Festival Huế đã là một thương hiệu văn hóa lớn của Việt Nam. Những hình ảnh về sự kiện này đã được truyền đi khắp nơi trong nước và thế giới. Festival Huế là điểm đến và hội tụ của du khách gần xa. Vậy nên, nó được xem là cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá hình ảnh và tiếp thị khách hàng. Những sản phẩm đặc sản của Huế, kiểu như mè xửng hay tôm chua, cũng có dịp được phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ăn ra và làm nên.
Đã có những doanh nghiệp mà tiêu biểu như bia Huế biết nắm bắt cơ hội được tạo ra từ sự kiện lễ hội lớn như Festival Huế. Ngay từ Festival Huế lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2000, bia Huế đã là nhà tài trợ và đồng hành. Festival Huế 2014, Công ty TNHH Bia Huế (Huda) là nhà tài trợ kim cương, đặc biệt đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ với lễ hội bia Huế “Kết nối tinh hoa”. Không hề giấu diếm và đầy tự hào, Tổng giám đốc Nguyễn Mậu Chi bày tỏ: “Huda bia được bạn bè khắp nơi biết đến một phần là nhờ vào thương hiệu Festival Huế”.
Với các doanh nghiệp lữ hành du lịch hay kinh doanh khách sạn, nhà hàng, các lễ hội như Festival Huế là cơ hội làm ăn rõ ràng mà sự chậm trễ đều là phải trả giá. Còn với nhiều doanh nghiệp khác như sản xuất các đặc sản hay hàng lưu niệm, nếu có sản phẩm phù hợp và hấp dẫn, thì lễ hội là dịp quảng bá hình ảnh và trong nhiều trường hợp là thời cơ để phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, kinh doanh chẳng bao giờ là chuyện dễ. Những giá trị và cơ hội mà một sự kiện lễ hội tầm cỡ như Festival Huế rất lớn, nhưng không hề đơn giản để có thể dễ dàng nắm bắt mà trong thực tế, nó đòi hỏi ở các doanh nghiệp sự sáng tạo, biết tính toán khôn ngoan trong làm ăn và quan trọng hơn cả là khả năng nắm bắt cơ hội.
Xét đến những yếu tố trên thì ngoài một Huda Huế đã thành danh, xem ra ở Huế vẫn còn quá ít những doanh nghiệp biết cách tận dụng những cơ hội được tạo ra từ các sự kiện lễ hội lớn như Festival để vươn lên.