Ảnh minh họa: Nikkei Asia News

Với tư cách là chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Thái Lan sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm nay nhằm đối phó với những ảnh hưởng tiêu cực xuất phát từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Tờ ANN News dẫn lời bà Auramon Supthaweethum, Vụ trưởng Vụ Thương lượng thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, Thái Lan sẽ được hưởng lợi từ cả xuất khẩu và đầu tư từ hiệp định RCEP, qua đó cho phép xuất khẩu nước này đạt mục tiêu tăng trưởng 8% đã được Bộ Thương mại đề ra cho năm nay.

Được biết, Trung Quốc và Mỹ lần lượt đều là những đối tác thương mại lớn nhất và lớn thứ ba của Thái Lan. Do đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra chắc chắn sẽ gây nên những tác động tương đối đáng kể đối với xuất khẩu của đất nước, nhất là khi xuất khẩu chiếm đến 70% GDP quốc gia.

Giữa lúc Mỹ và Trung Quốc đã và đang dựng nên rất nhiều rào cản thương mại, chiến lược của Thái Lan về đối phó với căng thẳng thương mại được thiết lập nhằm mục tiêu tiến lên theo hướng ngược lại và thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do (FTA) để thúc đẩy xuất khẩu.

Nếu các cuộc đàm phán thành công, RCEP sẽ là hiệp định thương mại đa phương lớn nhất trong lịch sử với sự tham gia của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 quốc gia ASEAN.

Theo Vụ trưởng Auramon Supthaweethum, tổng sản phẩm quốc nội của các thành viên RCEP chiếm khoảng 28% GDP toàn cầu, với giá trị tương ứng 30% giá trị thương mại thế giới. Trong năm nay, dự tính sẽ có tổng cộng 8 vòng đàm phán RCEP, với ít nhất 4 cuộc họp của Ủy ban đàm phán thương mại (TNC) giữa các thành viên RCEP tiềm năng.

Đan Lê (Lược dịch từ ANN News)