Một người đàn ông đứng trước gian hàng nước ngọt ở siêu thị. Ảnh: Reuters

Tại Singapore, đây là một trong những đề xuất đang được các nhà lập pháp xem xét như một ý tưởng để cắt giảm việc tiêu thụ đường. Nước này đang cân nhắc một số biện pháp, bao gồm lệnh cấm hoàn toàn đối với đồ uống có lượng đường cao, hoặc tăng thuế đối với các loại thức uống này và hạn chế quảng cáo của chúng, thậm chí dán nhãn cảnh báo trên hộp đựng - tương tự như các cảnh báo sức khỏe trên bao thuốc lá.

Bộ Y tế Singapore cho biết, hơn 1/2 lượng tiêu thụ đường của nước này xuất phát từ đồ uống - do đó, nó trở thành mục tiêu hàng đầu trong các nỗ lực của chính phủ nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn xu hướng béo phì và tiểu đường đang gia tăng.

Ở nước láng giềng Malaysia, vấn đề cân nặng thậm chí còn tồi tệ hơn. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, Malaysia đã trở thành một trong những quốc gia béo phì nhất châu Á, với gần ½ dân số béo phì hoặc thừa cân. Đáng báo động hơn, tình trạng thừa cân ở trẻ em và thanh thiếu niên đang gia tăng, ông Ying-Ru Jacqueline Lo, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Malaysia tuyên bố.

Trước thực trạng đó, tháng 11 năm ngoái, noi gương của các quốc gia khác trong khu vực, Kuala Lumpur tuyên bố sẽ áp thuế đối với đồ uống có đường, điều luật này sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 4 tới. Mặc dù một số người cho rằng nó có thể không đủ để chống lại các vấn đề mà quốc gia này đang phải đối mặt, nhưng động thái này rất được các quan chức y tế hoan nghênh.

Malaysia cũng đặt mục tiêu kiểm soát béo phì như một phần của kế hoạch quốc gia, nhằm giải quyết sự gia tăng mạnh mẽ các bệnh không lây nhiễm, thúc đẩy lối sống lành mạnh hơn, cũng như khuyến khích các cộng đồng địa phương cung cấp nhiều cơ hội hơn cho hoạt động thể chất.

Trong khi đó, khoảng 1 năm trước, Philippines trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á đánh thuế đồ uống có đường và doanh số của hạng mục này theo đó đã giảm mạnh trong quý đầu tiên sau khi thuế có hiệu lực. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, với việc tiêu thụ đường giảm nhờ mức thuế đó, Philippines sẽ tránh được khoảng 24.000 ca tử vong sớm trong 20 năm tới.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ FT)