Bác là bác họ của tôi, trước đây nhà bác với nhà tôi chung một hàng rào. Hai khu vườn đều rộng thênh thang là "vương quốc" đủ để cho gần chục đứa con nít hai nhà vừa tung tăng với các trò chơi dân gian, vừa bảo ban nhau làm việc nhà. Hết bắt ve lại hái rau heo, hết xay gạo làm bún lại cuốc đất trồng khoai... anh em qua lại với nhau chủ yếu bằng đường chui rào, nhưng không bị người lớn la mắng và cũng là để thể hiện mối quan hệ họ hàng.

Thời đó, bữa cơm hiếm khi có chất đạm; nhà nào cũng có chuồng gà, chuồng heo... nhưng từ quả trứng đến ngày heo xuất chuồng thì đó cũng là nguồn kinh tế cứng để lo việc lớn trong gia đình chứ chẳng mấy khi được dùng để cải thiện bữa ăn cho lũ trẻ con chúng tôi; thế nhưng, đứa nào đói bụng thì có quyền chạy quanh hai nhà mà lục cơm nguội. Rồi thì, nhà nào thu hoạch thức gì trong vườn cũng phải nghĩ ngay đến “hàng xóm” đặc biệt. Kỵ, giỗ, lễ, tết là rộn ràng nhất, dù ở bên nào cũng là việc của cả hai nhà.

Gần gũi là vậy, thân thiết là vậy. Thế mà đàn trẻ chúng tôi ngày ấy lớn dần tự lúc nào; mỗi đứa có một hướng đi riêng, quanh năm lo chuyện áo cơm, chợt nhìn lại thì ra đã mấy mươi năm trôi qua. Đất đai giờ cũng đã bán, phân chia. Nhưng chẳng lẽ đó là lý do để hàng chục năm rồi tôi chưa đến thăm nhà bác và ngược lại...

Quay lại nơi chứa đựng bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu, thì ra chẳng tốn bao nhiêu công sức và thời gian cho lắm. Cả hai bác ngỡ ngàng, rồi rưng rưng nước mắt khi nhận món quà của tôi là hộp sữa dành cho người già. Chẳng như dự đoán của tôi trước đó, rằng sẽ bị bác trách, bác gái nói trong niềm xúc động: “Bác trách con rứa thôi, chứ mấy đứa nhà bác cũng có khi mô ghé thăm chú thím mô”.

Có phải bây giờ tôi mới hiểu, món quà dành cho người già chính là sự quan tâm của con cháu, người thân... Hay bởi, chúng ta đã cố làm ngơ trước mong mỏi đó với những lý do rất quen thuộc quanh quẩn bên từ “bận”. Lần viếng thăm này đã cho tôi cơ hội nhìn lại, để biết dành thời gian cho những việc cần làm trong cuộc sống.

Hương Lan