Điều kiện thiếu thốn của người dân Yemen trong một trại tạm trú. Ảnh: AFP

Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA), mức độ nghiêm trọng của nhu cầu đang ngày càng sâu sắc, với số người có nhu cầu cấp bách cần được hỗ trợ cao hơn đến 27% so với năm ngoái – thời điểm nơi đây diễn ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trên toàn cầu.

Báo cáo Tổng quan về nhu cầu nhân đạo cho Yemen năm 2019 cho thấy có 14,3 triệu người được phân loại có nhu cầu cấp bách, với khoảng 3,2 triệu người cần điều trị suy dinh dưỡng cấp tính; trong đó bao gồm 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi và hơn 1 triệu phụ nữ đang mang thai và cho con bú.

Nhấn mạnh rằng hơn 20 triệu người trên khắp đất nước không được đảm bảo an toàn thực phẩm, một nửa trong số họ phải chịu cảnh đói khát cùng cực, báo cáo tập trung vào một số vấn đề nhân đạo quan trọng như nhu cầu sinh tồn cơ bản, bảo vệ dân thường, sinh kế và các dịch vụ cơ bản thiết yếu cho người dân.

Sự leo thang của cuộc xung đột từ tháng 3/2015 đến nay đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở Yemen. Theo dữ liệu của OCHA, tổng cộng 17,8 triệu người ở quốc gia này không được tiếp cận với nước và vệ sinh an toàn, trong khi 19,7 triệu người không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Vệ sinh kém và các bệnh từ nước, bao gồm cả bệnh dịch tả, khiến hàng trăm ngàn người mắc bệnh trong năm ngoái.

Trong 4 năm qua, cuộc xung đột giữa các lực lượng Chính phủ và phiến quân Houthi đã khiến hàng chục nghìn người chết hoặc bị thương, trong đó có ít nhất 17.700 thường dân đã được LHQ xác minh. Cơ quan này cũng cho biết thêm rằng, ước tính khoảng 3,3 triệu người đã phải di dời, tăng từ 2,2 triệu người trong năm ngoái. Theo Cơ quan Tị nạn LHQ (UNHCR), số lượng khu vực mà những người di dời đang tạm trú đã tăng gần 50% trong 12 tháng qua.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Devdiscourse & UN)