Đô thị trung tâm ngày càng phát triển

Hai năm gần đây, ở khu vực trung tâm TP. Huế, tại các khu đất để hoang, công trình dang dở đã xuất hiện hàng loạt công trình, nổi bật là Trung tâm Thương mại và Khách sạn Vincom (công trình cao 36 tầng). Bên cạnh đó, tòa nhà của Vietinbank ở đường Lê Quý Đôn, với kiến trúc tường kính tương đồng, làm không gian khu vực ngã 6 trở nên thống nhất về kiến trúc, tạo ra một không gian mở hiện đại hướng về phía Đông Nam TP. Huế.

Nhiều công trình cao tầng khác cũng dần thành hình như: Tổ hợp du lịch - văn phòng - khách sạn 5 sao Goldland Plaza ở đường Lý Thường Kiệt (16 tầng), Trung tâm Dịch vụ du lịch và Khách sạn Sen Trắng ở đường Hoàng Hoa Thám (15 tầng), Rạp chiếu phim trên đường Hai Bà Trưng (7 tầng), Bệnh viện đa khoa Quốc tế ở đường Nguyễn Tri Phương (15 tầng)... Gần đây nhất là việc động thổ công trình tòa nhà VNPT Thừa Thiên Huế cao 16 tầng trên đường Lý Thường Kiệt - Hà Nội đã và đang làm thay đổi diện mạo khu vực trung tâm phía Nam TP. Huế và từng bước hình thành trung tâm dịch vụ - du lịch - tài chính theo hướng đô thị hiện đại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phan Thiên Định cho biết, kết quả đầu tư trong 2 năm qua ở TP. Huế là rất khởi sắc, minh chứng ở việc số lượng nhà đầu tư có tiềm năng, năng lực thật sự vào Thừa Thiên Huế nói chung và TP. Huế nói riêng ngày càng nhiều, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch.

Để công tác đầu tư có trọng điểm, tỉnh đã ban hành danh mục bổ sung 39 DA kêu gọi đầu tư trên địa bàn năm 2019, định hướng đến năm 2020, trong đó códanh mục 13 DA kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn TP. Huế. Đáng chú ý là các vị trí “đất vàng” như khu đất số 22-24 Lê Lợi, khu đất số 8-10 Phan Bội Châu, khu đất 2,6 ha Phạm Văn Đồng dự kiến sẽ kêu gọi đầu tư tổ hợp thương mại dịch vụ, khách sạn cao cấp.

Khu vực bờ sông Hương số 5 Lê Lợi với DA bến thuyền du lịch kết hợp dịch vụ. Đặc biệt, vị trí Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh đang kêu gọi đầu tư xây dựng trung tâm hội nghị quốc tế, với quy mô 1.000 phòng. Ngoài ra, tỉnh cũng đang tập trung xây dựng khu hành chính tỉnh sớm hoàn thành vào tháng 9/2019 để di dời trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước trên các trục đường chính như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hùng Vương…, nhường lại quỹ đất để kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch.

Những cao ốc hiện đại với số vốn đầu tư lớn mọc lên là dấu hiệu quan trọng để khẳng định, thực sự có làn sóng đầu tư vào TP. Huế trong thời gian gần đây. Riêng trong năm 2017 – 2018, kinh phí đầu tư cho các DA là hàng nghìn tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành thông tin, với việc xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, hoàn thiện các quy hoạch mang tính chiến lược, chưa bao giờ Huế đứng trước làn sóng đầu tư lớn như hiện nay, trong đó có các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế, tuy vậy, để duy trì được làn sóng đầu tư, TP. Huế phải có sự vận hành của những hội đồng tư vấn đầu tư. Bên cạnh đó, các nhà quản lý với sức ảnh hưởng của mình cũng phải thể hiện năng lực thuyết phục và chỉ ra những cơ hội, triển vọng cho các nhà đầu tư.

Theo ông Phan Thiên Định, điểm mới trong việc kêu gọi đầu tư thời gian qua và sắp tới là xác định các nhà đầu tư chiến lược, bởi sự hiện diện của các nhà đầu tư này cũng đồng nghĩa với sự có mặt của những DA đầu tư có quy mô lớn, tầm cỡ, tạo ra các điểm nhấn cho phát triển. Điều này sẽ góp phần tạo nên một làn sóng thu hút những nhà đầu tư khác đến với Huế, là sự bảo chứng cho môi trường kinh doanh của Huế.

Bài, ảnh: QUANG PHONG