Trường dân tộc nội trú huyện Nam Đông trong một tiết học

Kịp thời vận động

Cách đây chừng 3 - 4 năm, mỗi khi ra tết, các trường lại thấp thỏm nỗi lo học sinh bỏ học giữa chừng. Đa phần là những học sinh có học lực yếu, trung bình theo bố mẹ, người thân ngược xuôi mưu sinh. Các huyện Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc… thường có nhiều học sinh nghỉ học đi sang Lào hay vào TP. Hồ Chí Minh làm nghề may. Thế nên, mỗi khi học sinh “kéo dài ngày xuân”, giáo viên lại vất vả trong việc vận động các em đến lớp cũng như bồi dưỡng lại kiến thức sau khi các em trở lại trường.

Lường trước nguy cơ học sinh nghèo bỏ học sau tết, các trường triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước tết, giáo viên chủ động nhắc nhở, dặn dò về lịch học, thời gian đi học trở lại. Tết xong, thầy cô trở lại trường học sớm hơn, liên hệ với địa phương, già làng, trưởng bản, nhắc nhở các em đến lớp nên xóa dần tình trạng học sinh bỏ học.

Để tạo hứng thú và tránh cho các em tâm lý uể oải đợi tết, giáo viên chủ động đổi mới phương pháp dạy học. Nhiều trường tích cực tổ chức các cuộc thi liên quan đến văn thể mỹ, hoặc tìm hiểu kiến thức thông qua hình thức gameshow. Thông qua hình thức học mà chơi, học sinh sẽ giảm áp lực học tập. Áp tết luôn được xem là thời điểm "nóng" của tình trạng học sinh bỏ học, trốn học thì tỷ lệ chuyên cần trên lớp của nhiều trường vẫn đạt 100%.

Không có trường hợp nào nghỉ học vì kinh tế gia đình khó khăn. Khẳng định của lãnh đạo ngành giáo dục ở các huyện, thị xã và thành phố Huế hoàn toàn có cơ sở. Các họ tộc ở các địa phương có quỹ khuyến học, khuyến tài để sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn để các em đến lớp. Ngành giáo dục phát động các tổ chức, cá nhân huy động sách vở, áo quần... giúp học sinh ở các xã miền núi, xã bãi ngang, ven biển… để các em bớt lo toan với gánh nặng gia đình. 

Chia sẻ kinh nghiệm

Thầy giáo Nguyễn Bá Nhân, Hiệu trưởng Trường THCS Phong Hòa (Phong Điền), cho biết: Mỗi lần có học sinh có ý định bỏ học, giáo viên chủ nhiệm thông báo ngay cho nhà trường. Đại diện chính quyền, hội khuyến học cùng lãnh đạo trường, giáo viên chủ nhiệm cùng đến nhà học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh, động viên, vận động gia đình, thuyết phục các em không bỏ học. Tình hình bỏ học nhờ vậy ngày càng giảm rõ rệt”.

Chuyện học trò không đến lớp đã không còn xảy ở Trường tiểu học Thượng Quảng (Nam Đông) khi trường có cách làm khá hay. Đa số đồng bào đều không sử dụng điện thoại nên mỗi sáng giáo viên đến lớp sớm trước 10 phút. Khi thấy học sinh không đến đủ, họ sẽ báo cho phòng giáo vụ. Ở đây, từ bảo vệ, giáo viên bộ môn đến hiệu trưởng, những người không đứng lớp sẵn sàng đến từng nhà để chở các em. “Có em bố mẹ có ý định cho nghỉ học vì học yếu hoặc theo người thân vào Nam, ra Bắc để  giúp việc gia đình. Giáo viên chủ nhiệm đã can thiệp kịp thời từ thông tin mà các bạn cùng lớp cung cấp”. Thầy giáo trẻ Phan Văn Đông kể.

Bằng những việc làm thiết thực, các trường quyết tâm không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học vì thiếu sách, vở... Ban Giám hiệu và chính quyền địa phương nắm bắt rõ tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh của gia đình học sinh, kết hợp với việc phân luồng học sinh đã tạo nên sự ổn định số lượng học sinh vùng huyện ở bậc trung học phổ thông. Hơn nữa, gia đình học sinh đã chuyển biến về mặt nhận thức nên đã hạn chế và giảm hẳn việc rời trường lớp đi làm sớm của các em.

Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho hay: “Sở luôn yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức điều tra, nắm chắc đối tượng học sinh có nguy cơ bỏ học để có những biện pháp động viên, giúp đỡ phù hợp, kịp thời. Đối với những học sinh có học lực yếu kém, nhà trường phải tổ chức phụ đạo, động viên, giúp đỡ. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải chủ động đề xuất, phối hợp với các đoàn thể và chính quyền địa phương hỗ trợ về vật chất và tinh thần nhằm động viên các em”. Đó là cách tốt nhất để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, đặc biệt là thời điểm sau tết.

Bài, ảnh: AN NHIÊN