Các cụ già bàn chuyện tâm thế của nước nhà trên đường đi thể dục hay ngay trong buổi trà sớm; chị em tiểu thương vừa bán vừa cập nhật thông tin thời sự “vụ giàn khoan” trên chiếc ti vi nho nhỏ và bàn cách làm thế nào để góp sức cho biển đảo; các bạn trẻ chia sẻ thông tin từng giờ trên facebook và các trang báo điện tử; bữa cơm của nhiều gia đình cũng sôi nổi hơn với chủ đề hướng về biển Đông. Câu chuyện chủ quyền len lỏi vào từng ngôi nhà, con phố và bật lên từ trái tim mỗi người dân như vậy.
Một ngày sau khi báo chí đưa tin giàn khoa HD981 hạ đặt trái phép ở vùng biển Việt Nam, cư dân mạng đồng loạt đổi avatar (biểu tượng) rợp màu cờ đỏ sao vàng. Trước, người ta cảnh báo về sự thờ ơ, vô cảm của giới trẻ thì nay, tinh thần yêu nước của họ đập tan lo ngại bấy lâu. Không còn nông nổi, bột phát như thời kỳ đầu mới tham gia cộng đồng mạng, nhiều nick name/chủ nhân facebook hạn chế việc comment một cách a dua, theo trào lưu mà thay vào đó là link (đường dẫn) các bài viết, phân tích của chuyên gia để định hướng đúng về nhận thức cho cộng đồng, thậm chí họ còn nhắc nhở bạn bè “cảnh giác trước những lời rủ rê, kích động”. “Đừng coi thường bọn trẻ ngày nay!”, một cán bộ công chức nhận định và kể lại chuyện nhà chị cho chúng tôi nghe trong buổi gặp mặt đầu tuần. Thấy con đọc báo liên tục trên mạng và hỏi mẹ nhiều câu về quan điểm cá nhân trong việc “ứng xử trên biển Đông”, chị hỏi: “Giả sử tình huống xấu nhất xảy ra, con sẽ làm gì?”. Con trai trả lời: “Nếu Tổ quốc gọi, con sẵn sàng mẹ ạ”! Chị nghẹn ngào vì mừng. Có thể nó chưa hiểu hết được ý nghĩa của quyết định và sự lựa chọn này song, sự trưởng thành trong nhận thức khiến chị thay đổi hẳn cách nhìn về con.
Trong lúc những chiến sĩ đang bám biển, ngăn chặn việc xâm phạm lãnh hải thì ở hậu phương, triệu triệu trái tim hướng ra biển với bao thao thức, trăn trở. Tiền đồn Tổ quốc đang bị xâm phạm, mỗi người dân Việt đều ý thức rõ điều đó và họ đã hành động theo lời hiệu triệu từ con tim. Nghe và nhìn những gì dân ta nói và làm trong những ngày này đều thấy mừng và tự hào trước ý thức dân tộc và lòng yêu nước quật cường. Cán bộ hưu trí, trẻ em, người lao động góp từng món tiền nho nhỏ gửi đến các chú kiểm ngư bị thương, tham gia vào các chương trình ủng hộ biển đảo. Nhân sĩ, trí thức, đoàn hội ra phản đối, hiến kế cho những ứng xử theo luật quốc tế để bảo vệ chủ quyền đất nước. Kiều bào khắp nơi hướng về Tổ quốc với những hoạt động ý nghĩa ủng hộ bằng cả vật chất lẫn tinh thần… Người Việt đang đồng tâm, đồng lòng với tinh thần: “Tổ quốc trên hết”!
Chủ quyền nóng từ biển, nóng cả ở đất liền. Chúng ta yêu biển nhưng phải làm gì cho biển, bao người đã suy nghĩ và hành động để chứng tỏ điều đó. Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, người dành 1,5 tháng lương hưu nhờ Báo Tuổi Trẻ gửi đến các cán bộ kiểm ngư bị thương và đóng góp chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển đảo” nói: “Người Việt Nam, ai làm được những gì trong khả năng của mình thì hãy thể hiện. Chúng ta đang ngồi trên con thuyền chung, số phận của mỗi người gắn liền với vận mệnh quốc gia. Người dân hãy cùng đồng lòng đoàn kết bảo vệ đất nước. Dư luận quốc tế ủng hộ vì chúng ta đang hành động một cách chính nghĩa. Phải áp dụng công pháp quốc tế, chấm dứt việc đặt giàn khoan một cách thách thức vào vùng biển quốc gia khác”. Và tôi biết, hơn những gì đang làm, người cựu giáo chức này còn ấp ủ một “dự án” dành cho biển bằng tất cả số tiền Nhà nước tặng cha ông - một cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta… nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”… Di sản lòng yêu nước được đúc kết từ mấy nghìn năm trước. Lịch sử chứng minh chúng ta đã đối đầu và chiến thắng bao thế lực hùng mạnh. Cuộc đấu tranh lần này sẽ là cuộc đấu tranh trên nhiều lĩnh vực, bằng nhiều biện pháp và cần một sức mạnh đồng lòng. Chúng ta đang bảo vệ công lý và chính nghĩa! Chúng ta không đơn độc! “Bốn ngàn năm phải giữ trọn biển đất này”!