Nhiều suy luận cho rằng, nếu Bình Nhưỡng chọn gắn kết với thế giới và từ bỏ vũ khí hạt nhân, đây có thể là tương lai của đất nước Triều Tiên.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 diễn ra tại Hà Nội từ 27/2-28/2. Ảnh: CNN

Trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 ngày 27 và 28/2, cuộc gặp lại của nhà lãnh đạo các nước sẽ có một bối cảnh thậm chí còn mang tính biểu tượng cao hơn khi diễn ra ở Việt Nam. Theo nhận định của các chuyên gia, chính quyền Tổng thống Trump muốn đưa hình ảnh của Việt Nam như một hình mẫu cho Triều Tiên, nêu bật mối quan hệ của Hà Nội với Washington cũng như sự bùng nổ kinh tế của nước này kể từ khi áp dụng cải cách thị trường.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, trong mối quan hệ Việt-Mỹ ẩn chứa nhiều điều mà cả Washington và Bình Nhưỡng có thể đều sẽ quan tâm. Năm 1995 - năm Hà Nội và Washington bình thường hóa quan hệ - xuất khẩu và nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam trị giá lần lượt chỉ là 252 triệu USD và 199 triệu USD. Tuy nhiên, trong 11 tháng đầu năm 2018, Mỹ đã xuất khẩu hơn 8 tỷ USD hàng hóa sang Việt Nam và nhập về lượng hàng hóa trị giá 45 tỷ USD, theo số liệu của Cục Thống kê dân số Mỹ.

"Con đường của Việt Nam từ kẻ thù trở thành một đối tác thân thiện của Mỹ đặc biệt hấp dẫn Triều Tiên, quốc gia tin rằng mối quan hệ tốt với Mỹ có thể giúp tạo ra môi trường phù hợp và điều kiện cần thiết để đạt được động lực chiến lược mới trong phát triển kinh tế", ông Tong Zhao, một thành viên tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh nhận định.

Tất nhiên, khái niệm này không mới. Trong thời gian làm chuyên gia châu Á tại Bộ Ngoại giao trong chính quyền cựu Tổng thống Clinton, Evans Revere cho biết các nhà đàm phán làm việc với Triều Tiên đã rất nỗ lực để hướng nước này đến với hình mẫu của Việt Nam, nơi bắt đầu gặt hái những lợi ích của cải cách thị trường và trở thành một thành viên có vị thế trên trường quốc tế.

Sáng 26/2, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong - un đã đặt chân đến Hà Nội. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông đến Việt Nam và lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến đây kể từ khi Chủ tịch Kim Il Sung đến nước này vào năm 1964.

Theo AFP, Chủ tịch Kim sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam và dự kiến ​​sẽ đến hai tỉnh Bắc Ninh và Quảng Ninh để xem xét các mô hình về thành công kinh tế sau chiến tranh của Việt Nam - một bước ngoặt rực rỡ mà Washington hy vọng Bình Nhưỡng có thể học hỏi.

Tố Quyên

(Lược dịch từ CNN & AFP)