Mặc dù đây là một dự thảo dựa trên kết quả đề tài nghiên cứu trong khoảng thời gian 10 năm và được đưa vào xây dựng năm 2017, theo kế hoạch về khoa học công nghệ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, song mới đây, dự thảo cuối Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 12607:2019 Quy phạm Thực hành sản xuất nước mắm vẫn vấp phải phản ứng của một số công ty và hiệp hội nước mắm truyền thống.

Theo như cách mà ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng - Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng của Bộ Khoa học và công nghệ - cho biết thì mục đích mà dự thảo TCVN 12607:2019 hướng đến không có gì khác hơn là hướng đến an toàn vệ sinh thực phẩm, cả trong quá trình sản xuất và chế biến để phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra cho người sử dụng. Cũng theo quan điểm đã được đại diện của tổng cục này đưa ra thì tiêu chuẩn này sẽ là công cụ giúp các nhà sản xuất, kinh doanh nắm bắt các tiến bộ của khoa học, thực hành sản xuất tốt và mang lại các sản phẩm tốt hơn cho người tiêu dùng. Đồng thời, tiêu chuẩn này có thể được hiểu là mang tính hướng dẫn, khuyến nghị mang tính tự nguyện trong phạm vi đã được xác định rõ của tiêu chuẩn quốc gia (Văn bản bắt buộc áp dụng là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia).

Tuy nhiên, ý kiến từ phía sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống lại cho rằng, việc ban hành tiêu chuẩn này sẽ làm khó cho nước mắm truyền thống, nhất là khi chưa làm rõ sự khác biệt giữa quy trình và điều kiện sản xuất nước mắm truyền thống và nước mắm pha chế công nghiệp. Trong đó có sự phân định rạch ròi tiêu chuẩn giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Ở đây, có một vấn đề mà bên kiến nghị đưa ra là cần thực hiện đề tài đánh giá rủi ro histamine và kim loại nặng (quy định năm 2011) để có sự điều chỉnh, thay đổi các chỉ tiêu này một cách phù hợp…

Hầu như nước mắm là nguyên liệu chế biến trong bữa ăn hàng ngày nên dễ hiểu vì sao Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 12607:2019 Quy phạm Thực hành sản xuất nước mắm lại được dư luận quan tâm một cách khá rộng rãi đến vậy, còn đang có không ít những ý kiến trái chiều đến vậy. Mặt khác, nước mắm sản xuất, pha chế công nghiệp hiện nay với sự tham gia của không ít doanh nghiệp đại gia đã bắt đầu chiếm lĩnh thị phần không nhỏ trên thị trường. Và mặc dù ngon hay dở, sản phẩm này vẫn đang là đối thủ nặng ký của nước mắm truyền thống, ít nhất là về mẫu mã, nhãn hàng và khả năng là quy trình sản xuất hiện đại.

Cứ lấy con số khoảng hơn 400 cơ sở chế biến nước mắm hiện có trên địa bàn Thừa Thiên Huế, với việc tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 2.000 lao động vùng ven biển và đầm phá, có thể thấy sức ảnh hưởng của nghề truyền thống này đối với lao động ở các địa phương có biển và sống nhờ biển như thế nào. Mặc dầu vẫn gặp không ít những yêu cầu về “một chén nước mắm rin, nước mắm cốt” trong các bữa ăn có vẻ đang ngày càng phổ biến, nhưng để sản xuất ổn định, tiêu thụ ổn định trước khi Quy phạm thực hành nước mắm được thông qua với những khuyến nghị kèm theo, người làm nước mắm vẫn cần điều chỉnh một số khâu trong quy trình sản xuất để xác tín lòng tin về sản phẩm này trong người tiêu dùng…

Nguyễn An Lê