Gốc tích của tục cúng đất thì tôi không hiểu lắm, nhưng có lẽ, người dân muốn tri ân những gì đã giúp đỡ cho cuộc sống của mình. Đất thì có “thần đất”, sông thì có “thần sông”, núi có “thần núi”, rừng có "thần rừng”… Người ta quan niệm cái gì cũng có phần hồn. Mỗi khi nhà có tang chế chẳng hạn, cây quanh vườn cũng “mang tang trắng”. Chuyện này xem ra là một nghĩa cử nhân văn.

Theo tôi được biết, người Huế tri ân đất tập trung vào hai tháng - tháng hai và tháng tám âm lịch. Cúng đất ngoài yếu tố tâm linh, còn là dịp để bà con, láng giềng chòm xóm quây quần, gần gũi với nhau. Một nhà cúng xong thì mời quanh hàng xóm láng giềng ngồi lại dự “phần cấp” (trước cúng sau cấp). Thành ra tình cảm chòm xóm thêm gắn kết. Con người sống với nhau, cần nhau là vậy. Các vùng thuộc nông thôn còn đậm đặc chất này.

Tôi đi loanh quanh các xóm vùng đồi Thủy Xuân, nhận thấy không khí láng giềng đầm ấm lắm. Vui tươi nữa. Nhiều tiếng cười và đương nhiên có cả tiếng hát. Bolero là thứ âm nhạc át mọi không gian.

Ở thành thị, tôi ít thấy nhưng ở vùng nông thôn, kể cả những vùng đã “nhân danh” thành thị nhưng cái “chất” vẫn là nông thôn, mỗi khi nhà có việc gì, ví dụ như cưới hỏi, cúng xóm, cúng đất đầu năm như đã nói thường là có tiếng hát trong khi quây quần ngồi lại với nhau. Thì ra cái nhu cầu âm nhạc hầu như ai cũng có, bất kể giàu nghèo. Hát cho nhau nghe ấy mà, cần chi hay dở. Hát để thỏa mãn đời sống tinh thần. Hát để quên đi những vất vả, nhọc nhằn. Cuộc sống đơn giản thật. Quan sát thấy người nông dân không giàu; người làm nghề tự do cũng ít người giàu, nhưng mỗi khi gặp và hát như vậy, họ thư thái vô cùng. Cho nên ở cuộc đời này, biết ai sướng khổ hơn ai. Chưa chắc gì ai đã hạnh phúc hơn ai!?

Bỏ qua cái chuyện hát hò quá khuya hoặc một thời gian nào đó không phù hợp; mở loa quá to làm ảnh hưởng đến những người chung quanh… thì “hát cho nhau nghe” trong những lần gặp mặt như thế này có ý nghĩa vô cùng trong đời sống tinh thần của người dân. Nó như là một nhu cầu thiết yếu. Đặc biệt, một khi khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển và hỗ trợ như hiện nay thì nó lại có dịp càng được thể hiện. Một chiếc loa “kẹo kéo” (người ta thường gọi chiếc loa di động như vậy); một chiếc Ipad, kết nối bluetooth vậy là tìm được bất cứ bài hát gì.

Người nông dân, người sống ở vùng nông thôn; người hành nghề tự do ít khi ổn định… Thôi thì cứ vui đi mỗi khi có dịp gặp nhau. Điều đó cũng là niềm vui nhỏ nhỏ, đơn giản, dễ thương và cần thiết cho cuộc sống này.

NGUYÊN LÊ