ClockThứ Bảy, 16/03/2019 12:49

Gặp nhau là... muốn hát

TTH - Làng xóm bây giờ nhạc vang lên rất nhiều. Dịp này là tháng hai âm lịch, nhiều gia đình ở Huế cúng đất đầu năm.

Người quêKhổ vì “hàng xóm”… vuiNgười quê

Gốc tích của tục cúng đất thì tôi không hiểu lắm, nhưng có lẽ, người dân muốn tri ân những gì đã giúp đỡ cho cuộc sống của mình. Đất thì có “thần đất”, sông thì có “thần sông”, núi có “thần núi”, rừng có "thần rừng”… Người ta quan niệm cái gì cũng có phần hồn. Mỗi khi nhà có tang chế chẳng hạn, cây quanh vườn cũng “mang tang trắng”. Chuyện này xem ra là một nghĩa cử nhân văn.

Theo tôi được biết, người Huế tri ân đất tập trung vào hai tháng - tháng hai và tháng tám âm lịch. Cúng đất ngoài yếu tố tâm linh, còn là dịp để bà con, láng giềng chòm xóm quây quần, gần gũi với nhau. Một nhà cúng xong thì mời quanh hàng xóm láng giềng ngồi lại dự “phần cấp” (trước cúng sau cấp). Thành ra tình cảm chòm xóm thêm gắn kết. Con người sống với nhau, cần nhau là vậy. Các vùng thuộc nông thôn còn đậm đặc chất này.

Tôi đi loanh quanh các xóm vùng đồi Thủy Xuân, nhận thấy không khí láng giềng đầm ấm lắm. Vui tươi nữa. Nhiều tiếng cười và đương nhiên có cả tiếng hát. Bolero là thứ âm nhạc át mọi không gian.

Ở thành thị, tôi ít thấy nhưng ở vùng nông thôn, kể cả những vùng đã “nhân danh” thành thị nhưng cái “chất” vẫn là nông thôn, mỗi khi nhà có việc gì, ví dụ như cưới hỏi, cúng xóm, cúng đất đầu năm như đã nói thường là có tiếng hát trong khi quây quần ngồi lại với nhau. Thì ra cái nhu cầu âm nhạc hầu như ai cũng có, bất kể giàu nghèo. Hát cho nhau nghe ấy mà, cần chi hay dở. Hát để thỏa mãn đời sống tinh thần. Hát để quên đi những vất vả, nhọc nhằn. Cuộc sống đơn giản thật. Quan sát thấy người nông dân không giàu; người làm nghề tự do cũng ít người giàu, nhưng mỗi khi gặp và hát như vậy, họ thư thái vô cùng. Cho nên ở cuộc đời này, biết ai sướng khổ hơn ai. Chưa chắc gì ai đã hạnh phúc hơn ai!?

Bỏ qua cái chuyện hát hò quá khuya hoặc một thời gian nào đó không phù hợp; mở loa quá to làm ảnh hưởng đến những người chung quanh… thì “hát cho nhau nghe” trong những lần gặp mặt như thế này có ý nghĩa vô cùng trong đời sống tinh thần của người dân. Nó như là một nhu cầu thiết yếu. Đặc biệt, một khi khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển và hỗ trợ như hiện nay thì nó lại có dịp càng được thể hiện. Một chiếc loa “kẹo kéo” (người ta thường gọi chiếc loa di động như vậy); một chiếc Ipad, kết nối bluetooth vậy là tìm được bất cứ bài hát gì.

Người nông dân, người sống ở vùng nông thôn; người hành nghề tự do ít khi ổn định… Thôi thì cứ vui đi mỗi khi có dịp gặp nhau. Điều đó cũng là niềm vui nhỏ nhỏ, đơn giản, dễ thương và cần thiết cho cuộc sống này.

NGUYÊN LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tình nghĩa láng giềng

Mang tặng cho nhau một mớ rau, một trái khế, trái đu đủ trồng trong vườn nhà, hay một chén chè vừa được nấu xong... là “sợi dây” vô hình thắt chặt tình nghĩa láng giềng nơi chốn đô thị.

Tình nghĩa láng giềng
Nghĩa xóm

Trong khoảng hơn 5 năm sống tại nhà chồng ở Huế, tôi nhiều lần xúc động trước những mỹ tục thấm đẫm tình làng nghĩa xóm nơi đây.

Nghĩa xóm
Khi ta thành thật sống…

Xế trưa, sau trận mưa lớn kéo dài cả giờ đồng hồ, tôi trở về nhà và muốn bật khóc khi thấy toàn bộ số áo quần mang phơi từ sáng vẫn… ở nguyên ngoài trời. Dây đồ ướt sũng nằm trơ trọi bên ngoài, cách những cánh cửa đóng kín chỉ mấy bước chân. Khu tập thể nhà nối nhà sát rạt, từ ngày chuyển đến đây ở, hễ có mưa là tôi tri hô mọi người và chạy đồ giúp. Có nhà đi vắng cách nhà mình vài chục mét, tôi không ngại đội mưa giúp họ. Vậy mà…, sao họ vô tâm đến vậy?

Khi ta thành thật sống…
Bên hàng rào xanh

Bữa nọ, một người bạn facebook đăng bức ảnh những trái duối bé tròn bằng đầu ngón tay út chín vàng kèm lời khẳng định: “Dân quê thế hệ 8-9x trở về trước, ít ai không biết vị ngon huyền thoại này”. Ôi, trái duối thơm hương ký ức, gợi nhớ ngôi nhà xưa mấy mươi năm trước. Ngôi nhà có hàng rào làm bức tường phân chia địa giới, là đôi ba cây duối già cành lá lòa xòa và rặng râm bụt xanh mọng điểm xuyết những nụ hoa đỏ rói.

Bên hàng rào xanh
Nhớ chuyện tài tử Thẩm Thúy Hằng về làng

Với những người dân xã Điền Hải, một vùng quê bên kia phá Tam Giang của huyện Phong Điền thì nữ tài tử nổi tiếng vừa qua đời Thẩm Thúy Hằng là một phần ký ức không thể nào quên bởi người dân vùng quê này đã được giao lưu với nữ tài tử điện ảnh này khi bà về lưu diễn...

Nhớ chuyện tài tử Thẩm Thúy Hằng về làng

TIN MỚI

Return to top