Cái mất đầu tiên, chính là sự bình yên mà người Việt Nam phải đánh đổi bằng bao xương máu. Cách đây không lâu, đã từng có nhận định rằng trong vòng 20 năm tới, Việt Nam không đối mặt với nguy cơ chiến tranh. Hải Dương 981 cùng với sự ngoan cố, hung hãn của Trung Quốc khi không ngừng gia tăng các loại tàu, máy bay cùng với các động tác ngăn cản, khiêu khích, phá hoại các loại tàu chấp pháp cũng như dân sự của Việt Nam đã hiện rõ một mối nguy cơ xung đột vũ trang, nếu chúng ta không có chiến lược và chiến thuật khôn khéo.

Cái mất đó đưa đến một điều được vô hình nhưng không kém giá trị là sự quan tâm đến chính trị, lòng yêu nước của nhân dân được khơi dậy. Phải khẳng định rằng, lòng yêu nước của nhân dân ta luôn nồng nàn và quyết liệt. Tuy nhiên, sau một thời kỳ dài hòa bình, lòng yêu nước đó có phần lắng xuống cho những lo toan về cuộc sống đời thường. Vụ việc Hải Dương 981 đã thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân, thổi lên một luồng sinh khí mới. Đâu đâu ta cũng nghe nói về việc làm sao để giải nguy cho đất nước, nhiều lớp thanh niên cũng như người có tuổi đã nêu tâm nguyện sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc. Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài, tuy có xuất thân và chính kiến khác nhau, cũng đã thể hiện lòng yêu nước và sự đồng lòng, quyết tâm bảo vệ đất nước. Cả dân tộc đã xích lại gần nhau hơn trong mối nguy nan.

Cái mất thứ hai, đó chính là mối quan hệ “hữu nghị 16 chữ vàng” chính thức bị lung lay. Mặc dù đã có những việc trước đó chứng tỏ Trung Quốc không hẳn luôn tôn trọng mối quan hệ theo đúng tinh thần “16 chữ vàng” nhưng sự kiện Hải Dương 981 là nhát dao rạch toang bức màn che đậy dã tâm của Trung Quốc trong mối quan hệ với Việt Nam.

Cái được qua việc mất này chính là cơ hội để Việt Nam nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ nhiều nước trên thế giới và cũng là cơ hội để thắt chặt thêm một số mối quan hệ với những nước có liên quan đến vấn đề Biển Đông nói riêng và mối nguy cơ bành trướng của Trung Quốc nói chung. Nổi bật nhất chính là các nước ASEAN, trước đây vốn tồn tại những bất đồng đã thống nhất đưa ra thông cáo chung về vấn đề Biển Đông. Tiếp theo là các động thái xích lại gần hơn và những đề nghị trợ giúp Việt Nam từ phía Nhật Bản, Pháp, Mỹ. Riêng về phía Mỹ, ngoài việc ủng hộ Việt Nam qua các tuyên bố, thông báo, mới đây đã thông báo giúp Việt Nam 18 triệu đô la cho lực lượng cảnh sát biển. Philippin, trước đây cũng có những điểm chưa thống nhất với Việt Nam trong vấn đề chủ quyền ở Trường Sa, cũng đã có những tín hiệu lạc quan trong việc tăng cường hợp tác, thể hiện qua tuyên bố chung trong chuyến làm việc mới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III. Ngoài ra, chính phủ và nhân của nhiều nước khác cũng đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong việc phản đối sự vi phạm của Trung Quốc trong vụ giàn khoan Hải Dương 981.

Cái mất thứ ba là sự ổn định về an ninh phần nào bị ảnh hưởng. Các cuộc biểu thị lòng yêu nước biến tướng thành gây rối ở Bình Dương, Hà Tĩnh đã xáo động cuộc sống yên bình và môi trường an toàn cho sản xuất, đầu tư ở Việt Nam, dẫn đến nguy cơ về việc giảm sự hấp dẫn của môi trường đầu tư đối với nước ngoài. Các thế lực phản động cũng nhân cơ hội này tuyên truyền, lôi kéo những đối tượng bất mãn, kích động biểu tình và những hành động chống chính phủ, hòng tiến tới bạo loạn lật đổ. Những điều đó đã đặt Chính phủ, cả dân tộc trước những thử thách quyết liệt để giữ vững được an ninh, hòa bình cho đất nước.

Thế nhưng, cái mất thứ ba cũng là cái được của nhiều điều. Trước hết là sự nhận chân rõ hơn các thế lực phản động, không chỉ từ phía các lực lượng an ninh mà cả từ phía người dân. Qua những thiệt hại của các cuộc gây rối, người dân đã thấy rõ âm mưu xấu xa của những thế lực phản động đứng đằng sau, dù chúng luôn che đậy bằng những ngôn từ yêu nước. Qua những sự kiện này, Chính phủ, các lực lượng an ninh cũng có kinh nghiệm và bản lĩnh hơn. Những mối lo về sự suy giảm lòng tin ở môi trường đầu tư cũng đã được chính quyền giải quyết qua những cam kết và hành động cụ thể.

Điều mất thứ tư, thoạt tiên là sự rộ lên của những hoài nghi về năng lực và sự cương quyết của Chính phủ để đối phó với các hành động xâm phạm chủ quyền quốc gia từ phía Trung Quốc. Trong những ngày đầu tháng 5, khi giàn khoan Hải Dương 981 vừa neo đậu, nhiều người dân Việt Nam cảm thấy sốt ruột, khi những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ chưa có phát ngôn rõ ràng nào. Sự hoài nghi đó còn tăng thêm khi tàu cảnh sát biển, kiểm ngư của ta chỉ làm công tác tuyên truyền chứ không có biện pháp cứng rắn nào để đối phó với những hành động hung hãn của các tàu Trung Quốc khiến các chiến sĩ bị thương. Có những lúc, nhiều người còn nghĩ đến một cuộc chiến như là một giải pháp, không phải vì họ thích chiến tranh, mà là vì họ cảm thấy lòng tự tôn dân tộc bị vi phạm.

Thế nhưng, những hành động tiếp theo của Chính phủ đã dần dần lấy lại được lòng tin trong nhân dân. Sự kiên nhẫn tránh đối đầu bằng bạo lực đã làm cho Việt Nam có ưu thế trong việc chứng minh với thế giới rằng, chính Trung Quốc là nguyên nhân gây nên những căng thẳng trên Biển Đông, còn Việt Nam thì kiên trì đường lối ngoại giao và gìn giữ hòa bình. Tiếp theo đó, lần lượt các tuyên bố của các vị lãnh đạo, các hoạt động ngoại giao tích cực với nhiều tổ chức và quốc gia khác thu hút sự ủng hộ của thế giới làm cho nhân dân tin tưởng hơn về sự đúng đắn về chiến lược của Đảng và Chính phủ. Mới đây nhất, chuyến làm việc thành công trong việc tăng cường sự hợp tác giữa Việt Nam và Philippin của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với tuyên bố đanh thép không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng của đất nước để nhận lấy một thứ hữu nghị viễn vông xóa tan những nghi ngờ bấy lâu. Rất nhiều người trước đây từng lên tiếng hoài nghi, chê trách đường lối giờ đã quay lại hoan hô cho những động thái này. Có thể nói rằng, chính sự hoài nghi ban đầu phần nào đã làm cho sự tán đồng, ủng hộ hiện nay thêm phần giá trị.

Có thể kể tiếp thêm nhiều vấn đề được, mất khác nữa. Tuy nhiên, quay lại so sánh thiệt hơn bốn cặp tương quan quan trọng nhất kể trên thì ta có thể thấy rằng, những điều được đã bước đầu khắc chế và lấn lướt hơn những điều mất. Cuối cùng, cái được lớn nhất là có thể xem vụ giàn khoan Hải Dương 981 như một cơn chấn động làm rõ ra những điều mù mờ và nhập nhằng mấy lâu nay trong mối quan hệ với Trung Quốc, cũng là cú hích để Chính phủ có những quyết sách quyết liệt hơn, cùng nhân dân đưa đất nước đi qua thử thách, đồng lòng tiến tới xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hùng cường.

Hà Viết Hải (Trường ĐHSP Huế)