Hôm rồi về Lăng Cô, chuyện trò với ông chủ khách sạn Phú Quý. Mới vài lời xả giao thăm hỏi, đã nghe ông chủ trẻ than vãn: “Khách du lịch về Lăng Cô là để tắm biển. Ai đời biển gần xịt vậy mà chịu, không dòm được chứ nói chi đến chuyện tắm biển”. Không để cho khách góp bàn, ông chủ trẻ giải thích luôn. Thì ra, khi quy hoạch phân lô bán cho các ông chủ resort ở phía đối diện, bên kia con lộ 1A có diện tích đến cả mấy ngàn mét vuông, người ta đã không dành ra một quỹ đất tương thích để mở những con đường thông ra biển mà chơi theo kiểu “đất liền kề”. Thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp và cá nhân, vậy là cứ thế người ta cho ra đời những “resort liền kề”, biến luôn phần bãi biển (vốn là tài sản chung) trước mặt thành sở hữu của riêng mình.

Lại nói về chuyện các nhà nghỉ, khách sạn bên này con lộ. Đầu tư cả hàng chục tỷ để xây dựng chứ đâu ít, nhưng khách sạn, nhà nghỉ dù có giá khá bèo chỉ vài trăm nghìn đồng cho một phòng nghỉ ngày đêm, nhưng xem ra chẳng mấy ai đoái hoài. Vậy là, đã và đang xảy ra tình trạng một số ông bà chủ treo biển đòi bán khách sạn, nhà nghỉ vừa mới xây xong để thu hồi vốn. Tuy nhiên, xem chừng cũng chẳng mấy ai mua. Năm 2014 này, may còn một phần bãi biển nằm ở phía xóm Chài và con đường ra biển rồi dọc về đồn biên phòng Lăng Cô mới mở, thị trấn Phú Lộc đã khai trương bãi tắm công cộng duy nhất trên phần bờ biển dài đến trên 8 cây số ở đây. Lối ra biển cho khách du lịch ở các khách sạn, nhà nghỉ bên ni con lộ có phần hé mở nhưng cũng chỉ mới đáp ứng một phần rất nhỏ bởi khoảng cách vẫn quá xa.

Một phép tính cho thấy, dọc theo bờ biển Lăng Cô dài chừng 3 cây số, từ cây xăng số 5 lên tới nhà thờ Loan Lý đã được cấp cho khoảng 16 dự án resort. Oái ăm thay là hiện mới chỉ chừng 1/3 trong số đó triển khai, còn lại tạm gọi là “treo”, chưa biết đến bao giờ mới động thổ, khởi công. Có ý kiến cho rằng, nên chăng Nhà nước xem lại, thương lượng để thu hồi (hay mua lại cũng được) mỗi lô đất dự án kia chừng 4-5 mét để có thể mở những con đường ra biển rộng 8-10 mét. Có thể các chủ dự án resort có người đồng ý kẻ thì không, nhưng đây là quyền lợi chung cho cả cộng đồng nên cá nhân phải biết hy sinh. Vả lại, biển càng có đông người tắm lại càng vui và hấp dẫn chứ sao, chớ ích kỷ. Đó cũng là cách cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh dịch vụ du lịch ở Lăng Cô đang gặp khó hiện nay.

Chuyện vỡ vạc mới thấy là mở đường ra biển ở bãi biển Lăng Cô không quá muộn và bế tắc. Vấn đề là nhận thức và quyết tâm hành động.

Đình Duy