Kẹt xe, tắc đường là một trong những vấn đề đáng lo ngại đối với giao thông Đông Nam Á. Ảnh: The ASEAN Post

Theo đó, các công ty và nhà phát triển công nghệ không ngừng tìm kiếm cơ hội để đưa ra các giải pháp mới, hỗ trợ chính phủ và chủ các phương tiện. Việc sử dụng trí thông minh nhân tạo (Al) và điện toán đám mây đã và đang tạo nên làn sóng mới trong khu vực. Do đó, hiện đang có rất nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự kỳ vọng về công nghệ mới này để giải quyết các vấn đề về giao thông.

Công nghệ hoạt động như thế nào với giao thông Đông Nam Á

Với việc sử dụng điện toán đám mây, trí thông minh nhân tạo và khả năng xử lý dữ liệu, phân luồng phương tiện và điều khiển tín hiệu đèn báo có thể được tối ưu hóa bằng cách tính toán thời gian phương tiện di chuyển đến các giao lộ. Ngoài ra, công nghệ cao cũng có thể tạo ra các bản tóm tắt dữ liệu cụ thể, chẳng hạn như thống kê lưu lượng và tốc độ lưu thông trên các làn đường nhất định; từ đó tạo điều kiện tốt nhất để triển khai các nhiệm vụ quan trọng khác, bao gồm phát hiện sự cố và tai nạn bất ngờ.

Thêm vào đó, các chương trình như City Brain - một hệ thống quản lý giao thông sử dụng dữ liệu lớn, Al và điện toán đám mây để giúp các thành phố quản lý nhu cầu giao thông đô thị có thể sẽ được kết nối với nhiều hệ thống quản lý đô thị khác như cứu thương, điều phối khẩn cấp và quản lý, điều khiển đèn báo hiệu giao thông... Bằng cách tích hợp và phân tích dữ liệu về thời gian thực được tạo ra từ các hệ thống này, các luồng giao thông đô thị có thể được tối ưu hóa, hỗ trợ ưu tiên cho các hoạt động khẩn cấp và các phương tiện chuyên thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp. Đơn cử: xác định tuyến đường nhanh nhất cho xe cứu thương đến địa điểm làm nhiệm vụ trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh việc quản lý lưu lượng xe, với sự góp sức của trí thông minh nhân tạo, điện toán đám mây cũng đang hiện thực hóa khả năng lưu thông của xe không người lái trong khu vực. Trong một diễn biến có liên quan, Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey khẳng định trong một báo cáo, các công cụ như City Brain có thể hỗ trợ giảm 8% - 10% tỷ lệ tử vong, tăng thời gian phản ứng với trường hợp khẩn cấp lên từ 20% - 35%, rút ngắn thời gian đi lại trung bình từ 15% - 20%. Các công cụ hỗ trợ thông minh này cũng giúp giảm 10% - 15% lượng khí thải nhà kính (GHG).

Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, một khi các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á triển khai áp dụng, triển vọng về một Đông Nam Á trở thành người dẫn đầu trong không gian thành phố thông minh sẽ rất sáng sủa và đầy hứa hẹn, các chuyên gia khẳng định.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ The ASEAN Post)