Nhu cầu dầu trong khu vực ASEAN dự kiến ​​sẽ tăng từ 4,7 triệu thùng/ngày lên khoảng 6,6 triệu thùng/ngày vào năm 2040. Ảnh: Zee News

Nhu cầu dầu thô ở Đông Nam Á

Đông Nam Á từng là trung tâm xuất khẩu dầu, nhưng hiện nay, phần lớn các nước sản xuất dầu trong khu vực đều đang dần chuyển thành các nước nhập khẩu dầu. Dự báo, sản lượng dầu trong khu vực sẽ giảm 30% vào năm 2040, với một số nguyên nhân như trữ lượng suy giảm và thiếu các mỏ dầu mới được phát hiện.

Mặc dù sản lượng dầu giảm, nhu cầu dầu trong khu vực dự kiến ​​sẽ tăng. Theo báo cáo Triển vọng 2017 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu trong khu vực dự kiến ​​sẽ tăng từ 4,7 triệu thùng/ngày lên khoảng 6,6 triệu thùng/ngày vào năm 2040. Do nhu cầu năng lượng dự kiến ​​sẽ tăng và sản xuất dầu trong khu vực giảm, lượng dầu nhập khẩu ở Đông Nam Á theo đó dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi.

Lý do đằng sau sự gia tăng nhu cầu dầu mỏ phần lớn là do ngành vận tải đang bùng nổ trong khu vực - đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô. Với sự phát triển của khu vực, tỷ lệ sở hữu xe hơi dự kiến ​​sẽ tăng đột biến trong những năm tới. Năm 2017, tổng doanh số bán xe mới tại Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines đã tăng 5% lên gần 3,4 triệu chiếc được bán ra. Bên cạnh đó, ước tính quyền sở hữu phương tiện trên toàn khu vực cũng ​​sẽ tăng hơn 40% vào năm 2040, với xe máy vẫn là phương thức giao thông phổ biến.

Tầm quan trọng của trợ giá nhiên liệu

Vì khu vực này vẫn tụt hậu so với các nước phát triển khác về giao thông công cộng, nên có một phương tiện giao thông ô cá nhân là điều cần thiết cho hầu hết người dân ở đây. Do vậy, trợ giá nhiên liệu đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của những công dân sống ở các quốc gia này. Nếu không có trợ giá, giá nhiên liệu ở các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam sẽ được các lực lượng thị trường điều phối, khiến nó dễ bị tổn thương trước những biến động giá đột ngột và có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. 

Với sự gia tăng gần đây của giá dầu toàn cầu, vào tháng 5 năm  ngoái, Thái Lan tuyên bố sẽ sử dụng quỹ dầu nhà nước để giúp người tiêu dùng đối phó với giá nhiên liệu cao hơn. Theo Bộ trưởng năng lượng, nước này sẽ sử dụng tiền từ quỹ để gánh 50% mức tăng giá bán lẻ nhiên liệu.

Tại Việt Nam, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được sử dụng để giảm biến động giá xuất phát từ những thay đổi của giá dầu quốc tế.

Các vấn đề trong việc trợ giá

Các nhà phân tích thường chỉ trích rằng trợ giá nhiên liệu có thể sẽ khuyến khích người dân mua ô tô hoặc tiêu thụ nhiên liệu không cần thiết. Hơn nữa, tiền dành cho việc trợ gíd nhiên liệu có thể được sử dụng để tài trợ cho các cơ sở hạ tầng khác. Ngoài ra, trợ giá nhiên liệu đã được chứng minh là một gánh nặng đối với tài chính của đất nước.

Gần đây, các chính phủ bắt đầu nhận ra rằng việc cung cấp các khoản trợ giá nhiên liệu có thể gây căng thẳng cho tài chính của quốc gia. Theo IEA, dữ liệu mới nhất cho thấy các khoản trợ giá nhiên liệu hóa thạch ở các nước ASEAN đã khiến khu vực này thiệt hại 17 tỷ USD. Do chi tiêu lớn cho các khoản trợ giá như vậy, các quốc gia như Malaysia, Thái Lan và Indonesia giờ đây đã bắt đầu cải cách chính sách trợ giá này.

Chính phủ Indonesia đã bãi bỏ trợ giá xăng dầu vào năm 2015 và trợ giá cố định vào năm 2016. Các cải cách này đã tiết kiệm cho chính phủ khoảng 8 tỷ USD, và số tiền đó đã được chuyển cho các chương trình xã hội và phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu tăng trở lại, chính phủ nước này đã áp dụng lại các khoản trợ giá nhiên liệu.

Thực tế, việc trợ giá có thể khiến người dân hài lòng, nhưng lại không tốt cho môi trường. Do đó, các chính phủ trong khu vực cần xem xét lại vai trò của trợ giá dầu thô và tập trung chi tiêu cho các chương trình hoặc cơ sở hạ tầng có thể mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho người dân.

Tố Quyên (Lược dịch từ The ASEAN Post)