Năm 2013, Thừa Thiên Huế xây dựng 4 mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa với 100 ha, trong đó 2 mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng, 2 mô hình cánh đồng mẫu sản xuất giống lúa. Vụ Đông xuân 2013-2014, Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh tiếp tục triển khai 4 mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng với quy mô 100 ha tại các HTX Thủy Phù 1 (Hương Thủy), Đại Thành (Phú Lộc), Phú Lương 1 (Phú Vang), HTX Hương Vinh (Hương Trà). Cánh đồng mẫu ở Thừa Thiên Huế là mô hình khuyến nông. Bên cạnh sự hỗ trợ 100 % giống lúa xác nhận, 30% vật tư và phân bón, 100% chi phí tập huấn kỹ thuật và thông tin, tuyên truyền quảng bá từ ngân sách Nhà nước, tùy điều kiện cụ thể, các HTX hỗ trợ thêm một phần kinh phí như phá bờ thửa, vôi, phân vi sinh bón lót… cho nông dân.
Yếu tố chủ yếu đem lại thành công trong mô hình cánh đồng mẫu là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo hợp đồng ràng buộc. Nông dân tập trung sản xuất thành những cánh đồng có diện tích đủ lớn, tạo ra được khối lượng sản phẩm hàng hóa cao. Doanh nghiệp có nhiệm vụ cung cấp giống với giá ổn định, hướng dẫn kỹ thuật canh tác để bảo đảm chất lượng, phục vụ sau thu hoạch và bao tiêu sản phẩm theo giá thỏa thuận. Bằng mô hình này, doanh nghiệp bảo đảm được chất lượng của sản phẩm, còn nông dân thì an tâm về đầu ra.
Để mô hình cánh đồng mẫu phát triển mang tính bền vững, có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là các doanh nghiệp, các đại lý tiêu thụ cần đánh giá nhu cầu của thị trường lúa gạo, làm cơ sở để cùng với các HTX liên kết tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường truyền thông, quảng bá rộng rãi về sản phẩm làm ra của nông dân đối với mô hình cánh đồng mẫu, giúp cho sản phẩm có thị trường tiêu thụ rộng rãi. Hình thành, củng cố và duy trì mối liên kết giữa 4 nhà, trong đó, cần quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm nhiệm vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định và hiệu quả cho sản xuất.
Trong điều kiện hiện nay của tỉnh ta, hộ nông dân là người trực tiếp sản xuất ra nông sản. Với quy mô sản xuất không đủ lớn, khối lượng hàng hóa sản xuất ra nhỏ, các doanh nghiệp không thể ký hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân mà cần thiết phải qua khâu trung gian. Có thể làm tốt nhất vai trò trung gian, cầu nối là HTX. Tổ chức này có thể đại diện cho các xã viên nông dân thương lượng về giá cả và phương thức mua bán với doanh nghiệp. Để làm được điều đó, HTX phải là đơn vị tự chủ thật sự, đủ khả năng để điều hành quản lý hiệu quả, tự chịu trách nhiệm về hoạt động theo pháp luật.
Đan Duy