- Chưa chừng nó dời hai lần nữa là ra khỏi phạm vi 200 hải lý…
- Tức là ta hết cớ kêu nó xâm phạm…
Người ngồi cạnh, nghe nói là một chủ doanh nghiệp, đeo kính ghé xem, góp lời bàn chưa dứt, ông V.M. đã nói:
- Ờ… Trung Quốc lắm mẹo lắm! Từ “16 chữ vàng” với “bốn tốt”, rồi chiến thuật “tằm ăn lá dâu”, nay thì xem chừng thấy Việt Nam cứng rắn, không chịu cúi đầu và dư luận thế giới lên án mạnh, có khi dùng chiến thuật dịch ngang như cua, ra khỏi phạm vi đặc quyền Việt Nam cho khỏi mất mặt.
- Chiến thuật chi cũng được, miễn rút giàn khoan cho yên chuyện!
- Thế thì ông lầm rồi! Và chớ mừng vội. Cái giàn khoan sớm muộn sẽ rút. Thì họ đã tuyên bố chỉ ở đến tháng 8 đó thôi. Vấn đề cốt yếu là Trung Quốc đã đi thêm một bước táo tợn và lu loa chủ quyền của mình đối với vùng biển Hoàng Sa cũng như toàn bộ cái “lưỡi bò” tham lam phi pháp chẳng ai công nhận…
Dạo này gần như chỗ nào có người chụm năm chụm ba là có chuyện bình luận về vụ giàn khoan Hải Dương 981, nên tôi không nán nghe hết lời bàn của ông V.M., nhưng ngẫm kỹ, thấy nên góp đôi ý kiến, kẻo không ít người sẽ vội “mừng” như ông chủ doanh nghiệp nọ, nếu quả thật Trung Quốc dời Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Quả là mới nhìn qua, nếu Trung Quốc chịu rút giàn khoan Hải Dương 981, coi như ta đã thắng một “keo”. Nhưng thật ra, điều đó chỉ như người ốm nặng “giảm nhiệt” tức thời, còn vi trùng nguy hiểm vẫn chưa bị tiêu diệt, vẫn ngự trị nhiều nơi xung yếu trong cơ thể. Có thể nói như vậy, vì nếu xét về toàn cục và không kể đến thời điểm khởi phát, thì hành động chiếm đánh Hoàng Sa năm 1974 và Gạc Ma năm 1988 nghiêm trọng hơn nhiều vụ Hải Dương 981. Vì ở những nơi này, chúng đã đem bê tông, sắt thép tính kế định cư lâu dài! Đó là chưa nói đến những lời tuyên bố của nhà cầm quyền Trung Quốc “kiên trì” bảo vệ “lợi ích cốt lõi” với cái “lưỡi bò” tham lam phi pháp, vi phạm trắng trợn chủ quyền nhiều nước và luật pháp quốc tế.
Phải nói rõ điều này, để nhân dân cả nước, trong khi quyết xua đuổi Hải Dương 981, luôn nhớ quần đảo Hoàng Sa và đảo Gạc Ma là hai “món nợ” lớn mà chúng ta phải đòi từ nhà cầm quyền Trung Quốc. Nói một cách khác, cho dù Hải Dương 981 dời dần ra phía đông rồi ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Philippines vừa rồi thực sự là đường lối nhất quán của Việt Nam đối với Trung Quốc thì Việt Nam vẫn phải khẩn trương xúc tiến các bước mạnh mẽ, rõ ràng hơn trong cuộc đấu tranh lâu dài để bảo vệ và giành lại chủ quyền thiêng liêng đối với những quần đảo và lãnh hải đang bị Trung Quốc tạm chiếm. Các bước đó, như nhiều nhà nghiên cứu đã nêu, là phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế và như Thiếu tướng Lê Văn Cương đề nghị (Báo Tuổi trẻ 25-5) Chủ tịch nước cần có công hàm thay mặt Nhà nước gửi Chủ tịch Trung Quốc… Cũng đã đến lúc cần phải có tuyên bố chính thức của Chính phủ ta về các sự kiện Trung Quốc xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa và đảo Gạc Ma, cũng như công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 không có giá trị pháp lý đốivới Hoàng Sa và Trường Sa…
Thiết nghĩ, đó là những biện pháp đấu tranh bằng phương pháp hòa bình không thể lảng tránh và để chậm hơn nữa. Nếu không, khi Trung Quốc rút HD981, chúng ta lại trở về “điểm xuất phát”, yên phận với cái “hòa bình viển vông, lệ thuộc”, trong khi chủ quyền lãnh thổ vẫn bị xâm phạm, còn những “kẻ xấu” (vô tình hoặc hữu ý) làm tay sai cho ngoại bang, thì rất đắc ý là đã ra một “đòn” đau cho Việt Nam ở Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Áng (Hà Tĩnh)…
Nguyễn Khắc Phê