Việc cải biên, nâng cao giá trị dân ca là rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên việc cải biên phần xố của hò lệ hố (trong hò khoan Lệ Thuỷ) của một tiết mục trong Liên hoan, theo chúng tôi là chưa đạt, làm mất đi vẻ đẹp của làn điệu, đó là sự rộn ràng nhưng vô cùng thắm thiết. Cũng xin nói thêm, việc ghép “hò hụi”, một điệu hò của Bình Trị Thiên vào tổ hợp hò khoan Quảng Bình (gồm 6 điệu) là không đúng. Sáu làn điệu trong tổ hợp hò khoan Quảng Bình trình diễn theo thứ tự là: hò mái chè, hò mái nện, hò mái ba, hò mái nhì, hò mái duỗi và hò mái xắp (tức hò lệ hố). Do sự nổi tiếng của mình, hò mái xắp còn gọi là hò khoan Quảng Bình, tên gọi đại diện cho cả tổ hợp hò gồm 6 làn điệu. Nguyên thuỷ là vậy, nhưng có lẽ do hiện nay, một số điệu hò trong sáu điệu hò khoan nói trên ít người hát, nên hò hụi được đưa vào tổ hợp hò khoan Quảng Bình chăng? Cũng cần nói lại cho rõ, Quảng Bình không có dân tộc ít người nào là “người Nguồn”, mà chỉ có các tộc người như: Mày, Khùa, Rục v.v.... “Người Nguồn” là cách gọi dân gian để chỉ người Kinh sống lâu năm ở hai huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá (Quảng Bình).
Trong Liên hoan số tiết mục lời mới về đề tài hiện đại rất ít; làm hạn chế sức sống của bộ môn này. Ở đây còn có sự chú trọng hơn trong việc tìm lời mới tập luyện để xây dựng tiết mục. Không lẽ lời ca Huế cứ ngân nga mãi những “ghẹo nguyệt trêu hoa”, những “phận má hường” thì cũng khiến cho công chúng phải suy nghĩ! Nên chăng cần có sự quy định số tiết mục có lời mới, với đề tài mới khi tham gia Liên hoan. Cũng do không chịu khó tìm các sáng tác lời mới mà có tiết mục được giới thiệu là tổ khúc dân ca nhưng nội dung không phải cùng một chủ đề mà là sự ghép nối lời các làn điệu có nội dung khác nhau. Nâng cao chất lượng lời mới cho các tiết mục cũng là một việc cần lưu ý trước mắt cũng như lâu dài. Có tiết mục lời ca làm cho người nghe khó chịu. Ví dụ: Nón nghiêng nghiêng trắng nõn nà / Trai làng thêm đẹp, gái làng thêm xinh
Từ “nõn nà” thường để tả làn da người con gái, còn vì có chiếc nón nghiêng mà “trai làng thêm đẹp” thì tối nghĩa! Ví cảnh đẹp Huế hôm nay có tác giả ví như “ Chốn bồng lai” (!?) là một cách thể hiện cũ kỹ, sáo mòn, gây phản cảm. Ở một khía cạnh khác, một số tiết mục có cảm tưởng đạo diễn, người dàn dựng đã lạm dụng vũ đoàn, đạo cụ, làm rối sân khấu.
Liên hoan Ca Huế - Dân ca Bình-Trị-Thiên, một sự kiện văn hoá nghệ thuật quy mô liên tỉnh đã thành công tốt đẹp. Hoạt động rất có ý nghĩa này đã được Lãnh đạo ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch ba tỉnh thống nhất tổ chức 2 năm một lần luân phiên ở mỗi tỉnh. Năm 2016, Liên hoan sẽ được tổ chức ở Quảng Trị. Mong rằng với nội dung và phương thức tổ chức ngày càng phong phú, số đơn vị tham gia ngày càng đông; “đến hẹn lại về”, Liên hoan sẽ góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, quảng bá, phát huy giá trị ca nhạc truyền thống của quê hương xứ sở.
Minh Khiêm