Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) và Nhóm Ngân hàng thế giới (WBG) công bố vào năm 2018 cho thấy, hơn một nửa số trẻ em bị thấp còi và gần một nửa số trẻ em khác thừa cân, cùng 2/3 trẻ mắc chứng suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trên thế giới đang sống tại châu Á.

 ASEAN cần nghiêm túc chống lại vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em để phát triển toàn diện khu vực. Ảnh: The ASEAN Post

Ảnh hưởng của suy dinh dưỡng đối với khu vực

Xét về tiểu vùng, ở Đông Nam Á, kết quả cũng tương đối tiêu cực. Cụ thể, báo cáo “Mức độ và xu hướng suy dinh dưỡng ở trẻ em năm 2018” cho thấy 25,7%  trẻ em ở ASEAN bị thấp còi, song cùng lúc cũng có 7,3% trẻ em cùng độ tuổi trong khu vực chịu cảnh thừa cân.

Điều đáng lo ngại là những vấn đề liên quan đến suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn phổ biến ở nhiều quốc gia trong khu vực. Ngay tại những nước được nhận định là đang chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc, tình trạng này vẫn tồn tại. Ngoài nghèo đói, suy dinh dưỡng hình thành do một số yếu tố khác như chế độ ăn thiếu chất, quá trình nuôi dưỡng trẻ sơ sinh kém, không đủ nước sạch, vệ sinh kém...

Nhìn chung, suy dinh dưỡng ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống của trẻ em. Trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính sẽ chịu cảnh chậm phát triển về ý thức, não bộ. Về lâu dài, vấn đề này sẽ gây nhà nhiều khó khăn khi trẻ tiếp thu kiến thức tại trường học, từ đó hạn chế cơ hội việc làm sau khi ra trường. Tất nhiên, về tổng quan, chúng sẽ làm chậm tốc độ phát triển kinh tế của đất nước.

Ngoài chính bản thân trẻ em, suy dinh dưỡng cũng ảnh hưởng gián tiếp đến các bậc phụ huynh. Cụ thể, trẻ suy dinh dưỡng đồng nghĩa với việc đau ốm thường xuyên. Điều này trực tiếp làm giảm năng suất lao động của cha mẹ, cùng lúc tạo gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Nguy hiểm hơn, suy dinh dưỡng có thể dẫn đến các chứng bệnh không lây, biến chứng tàn tật, tệ hơn là tử vong, giảm lực lượng lao động của quốc gia. Thống kê năm 2016 thực hiện ở Indonesia cho thấy, chi phí dành cho việc chữa trị các bệnh không lây ở nước này chạm mốc 248 tỷ USD/năm.

Hướng đi nào cho ASEAN

Báo cáo khu vực của UNICEF về an ninh dinh dưỡng ở ASEAN chỉ ra rằng, những hình thức suy dinh dưỡng này có thể được ngăn chặn khi lãnh đạo các nước triển khai đầy đủ các hành động cần thiết về: an ninh lương thực, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo nước sạch, vệ sinh, tăng cường giáo dục về lối sống và các lựa chọn lành mạnh và xóa đói giảm nghèo.

Trong đó, đảm bảo an ninh dinh dưỡng đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các bên liên quan như chính phủ, trường học và các tổ chức xã hội dân sự để đảm bảo một trong những quyền cơ bản nhất của trẻ em, đó là quyền đảm bảo tiếp cận với thực phẩm và dinh dưỡng tốt.

Một số biện pháp ASEAN có thể triển khai bao gồm điều chỉnh việc buôn bán các loại thức ăn, đồ uống thiếu dinh dưỡng trong trường học, đồng thời đảm bảo vệ sinh tốt hơn, đầu tư nhiều hơn cho công tác giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng trong khu vực và lập biểu đồ theo dõi tốc độ phát triển của trẻ tại các khu vực có nguy cơ...

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ The ASEAN Post)