Ngư dân thả lưới trên hồ Inle, Myanmar. Ảnh: ADB/Flickr

Cùng với châu Mỹ Latinh và châu Phi, khu vực ASEAN là một trong những nơi có nguồn cung thực phẩm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Philippines đang thiếu nước trầm trọng do mực nước sụt giảm mạnh, dẫn đến cảnh tượng từng hàng dài người dân ở Manila phải mang thùng ra các máy bơm nước chờ đổ đầy thùng...

Hơn nữa, nghề cá - nguồn thực phẩm quan trọng của hơn 1/2 dân số thế giới, cũng bị ảnh hưởng đáng kể do mực nước biển dâng cao. Đông Nam Á với đường bờ biển dài, nhiều quần đảo rộng lớn và có vùng đồng bằng nhiều sông suối là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mặc dù khu vực này đã trải qua sự phát triển nhanh chóng, nhưng đây vẫn là nơi sinh sống của 60 triệu người thiếu dinh dưỡng nhất thế giới. Điều này không đáng ngạc nhiên khi châu Á có hơn một nửa dân số thế giới nhưng chỉ có 20% đất nông nghiệp toàn cầu.

Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), GDP của khu vực ASEAN có thể bị cắt giảm 11% do các ngành nông nghiệp và đánh cá bị suy giảm vì biến đổi khí hậu. Và nếu không áp dụng những đột phá công nghệ quan trọng, sản lượng gạo ở Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có thể giảm tới 50% trong thế kỷ 21.

Đầu tư vào công nghệ

Tuy nhiên, ASEAN không đứng yên trước trước tình hình này. Nhiều chương trình được đưa ra để giảm bớt các mối lo ngại liên quan đến khí hậu bằng cách sử dụng công nghệ cao và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tại Singapore, một công viên đổi mới nông sản thực phẩm rộng 18 ha đang hình thành, với hy vọng sẽ trở thành chất xúc tác để phát triển một trung tâm công nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp bền vững. Nhiều công ty tiên phong đang phát triển các trang trại đa cấp trên mái nhà, trong nỗ lực phát triển các hệ thống nông nghiệp năng suất cao ở các khu vực đô thị dày đặc. Nhiều công nghệ mới cũng được áp dụng, tập trung vào việc tăng năng suất, xây dựng các hệ thống phát triển chống chịu khí hậu và phát triển môi trường bền vững, trong bối cảnh sử dụng ít đất, nước và tài nguyên hơn so với thực tiễn hiện nay.

Theo sau Singapore, các nước khác trong ASEAN cũng đang nỗ lực đầu tư vào công nghệ. Nhiều kỹ thuật thích ứng đã được áp dụng rộng rãi trong khu vực, bao gồm những thay đổi về mô hình cây trồng và đa dạng hóa thành các loại cây trồng ít nước hơn như ngũ cốc, đậu và kê.

Những nỗ lực này cho thấy chính phủ các nước Đông Nam Á đã nhận ra rằng, một trong những phương cách để giảm thiểu mối đe dọa đối với an ninh lương thực nằm ở việc tận dụng các công nghệ tiên tiến trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó khu vực này có thể trở thành “ngọn hải đăng” cho các nước đang phát triển khác trên thế giới.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ The Interpreter)