Hoạt động xuất khẩu của châu Á chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại và nhu cầu yếu đối với điện thoại thông minh toàn cầu. Ảnh: Reuters

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ của Singapore giảm 11,7% trong tháng 3, đảo ngược mức tăng trưởng 4,8% của tháng 2. Đây cũng là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2016, được thúc đẩy bởi hoạt động xuất khẩu điện tử giảm, với các lô hàng tháng 3 co lại với tốc độ nhanh nhất trong 6 năm ở mức 26,7%, so với mức giảm của tháng 2 là 8,2%.

Đáng chú ý, xuất khẩu của Singapore sang hầu hết các đối tác thương mại lớn đều ghi nhận sự thu hẹp.

Trong khi đó, xuất khẩu của Nhật Bản cũng giảm trong cùng kỳ. Theo số liệu sơ bộ do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 17/4, kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này thu hẹp 2,4% trong tháng 3, tháng thứ 4 liên tiếp ghi nhận sự sụt giảm.

Các lô hàng sản phẩm điện tử của Nhật Bản chậm lại trong tháng 3. Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 9,4%, so với mức tăng 5,6% hồi tháng 2.

"Triển vọng cho nhu cầu bên ngoài vẫn còn yếu", ông Darren Aw, chuyên gia kinh tế châu Á tại Hãng nghiên cứu Capital Economics nhận định khi đề cập đến số liệu mới nhất của Nhật Bản.

Được biết, các quốc gia ở khu vực châu Á phải vật lộn với hoạt động thương mại chậm lại kể từ cuối năm ngoái, khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc leo thang. Hai quốc gia này là đối tác thương mại lớn nhất đối với hầu hết các quốc gia châu Á. Bên cạnh đó, sự sụt giảm trong xuất khẩu chip, xuất phát từ sự thu hẹp toàn cầu về nhu cầu điện thoại thông minh cũng đè nặng lên khu vực.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Nikkei)