Ông ra đi ở cái tuổi 63. Ông sống giản dị hiền từ; bởi thế bạn bè bảo ông là “ông bụt” giữa đời thường. Ông là một người được đào tạo bài bản từ ngành sư phạm Toán rồi sang đại học báo chí. Thời ông trở thành giáo viên hay nhà báo là ước mơ và hãnh diện lắm. Làng Thần Phù, Thủy Châu quê ông thời ấy diện như ông chỉ đếm được vài người.

 

Thời bao cấp, đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, sắn lát bo bo thay cơm trong những bữa ăn của mọi nhà. Lúc ấy, tôi bắt đầu vào bậc tiểu học. Thỉnh thoảng ông ghé thăm nhà tôi. Hình ảnh thân quen trong thời gian ấy là chiếc xe đạp nhàng, cùng cái bia - rết móc ở bên vai. Bước vào nhà, mẹ tôi thường chào ông bằng một câu thân quen đến bây giờ cứ vẳng vẳng bên tai tôi: “Em mới về hả Bồi”? Bồi là tên gọi ở nhà của ông.

Tôi bước vào cấp THCS, bắt đầu biết nghề báo mà ông đang theo. Có lần tôi hỏi “Làm nghề báo sướng không ông”? “Nghề gì cũng có sướng có khổ”, ông nói. Rồi ông dành thời gian làm vừa lòng đứa trẻ mà tôi nhớ rõ lời ông nói, nghề báo làm nghề đặc thù đi nhiều, nhưng được giao lưu, quan hệ với nhiều đối tượng. Làm nghề báo phải cần tính nhanh nhạy, cẩn trọng.

Duyên phận đưa đẩy, tôi vào cơ quan báo Thừa Thiên Huế vào đầu năm 2000. Chính ông là người đầu tiên dạy nghề và truyền lửa cho tôi vì tôi học ngành ngoại ngữ. Hồi đó, ông là Thư ký tòa soạn vừa chuyển sang làm Trưởng phòng Nội chính Bạn đọc, căn phòng nằm một góc trái trong trụ sở cũ, tuềnh toàng. Ông bắt đầu hướng dẫn cho tôi thế nào là cách viết tin, viết bài. Bài tôi viết ra, ông chỉnh sửa 2 - 3 lần. Ông và tôi hai người đối diện như đánh đô-mi-nô để rọi từng chữ xem tin, bài của tôi sai thiếu, chưa đạt phần nào. Ông động viên: “Không nản, cố lên. Cái gì mới đầu cũng khó nhưng làm dần rồi quen”. Ghi nhận, tôi miệt mài tìm hiểu sách báo, cộng thêm sự học hỏi từ các đồng nghiệp.

Một khó khăn nữa là bí quyết làm nghề khi quan tâm viết vấn đề tiêu cực xã hội. Hồi ấy, nắm một đề tài điều tra, phản ánh tiêu cực ở một đơn vị, hay địa phương là tôi “hoang mang” thực sự. Tuy nhiên mỗi lần như vậy, tôi gõ cửa phòng ông để nhờ tư vấn, tích lũy kinh nghiệm. Nghề báo, nghề viết lách chính là áp dụng trong dạng bài này. Trước hết, phải nhận định sự việc, sự kiện, tìm hiểu nhận định thông tin kỹ, chính xác và ghi âm tất cả những lời nói của người trong cuộc. Khi viết, không viết ra hết mà chỉ viết một phần vốn tư liệu mình đã thu thập. Khi bài đăng tải, nếu họ có ý kiến phản bác, mình còn luận cứ, luận điểm để viết tiếp, viết thêm.

Còn nhiều kỹ năng, vốn sống mà ông đã truyền dạy cho tôi vững bước trên đường đời và nghề làm báo. Cách đây mấy hôm về quê, ghé thăm nghĩa trang Thạch An, Thủy Châu thấy khuôn viên nơi ông nằm được xây lăng tử tế. Mới đó mà nhanh quá. Cảm ơn những lời dạy của ông đã nâng bước cho tôi những năm tháng đầu tiên vào nghề.

Minh Văn