Bây giờ thì trên mặt báo, ít người nhắc đến hợp tác xã (HTX), có chăng chỉ là rất thỉnh thoảng trình diễn một mô hình mới nào đó trên đồng ruộng, thường là do các công ty bảo vệ thực vật thực hiện.

Thời mình mới đi làm, ba phần tư bản tin là về nông nghiệp. Mà nông nghiệp thời này thì HTX là chủ yếu. Anh N.D (phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế) còn kể, phóng viên phụ trách nông nghiệp được chia ra làm nhiều mảng - chuyên về lúa, chuyên về vùng gò đồi, thủy sản, lâm nghiệp. Mới hai mươi năm mà đã khác một trời một vực.

Có những điều bây giờ, đôi khi ngồi một mình ngẫm lại cũng là quá đáng. Ví như tại sao Việt Nam chậm phát triển; Tại sao tỉnh mình làm thế này mà không làm thế kia… Cố thử tìm nguyên nhân vì sao. Và mình phát hiện, tất cả những đòi hỏi là do sự mở rộng hiểu biết mà ra. Bản chất của con người là vậy, không khi nào bằng lòng với thực tại. Xin đừng cho rằng con người ham hố. Anh cứ nghĩ thử mà xem, ai không đòi hỏi bất kỳ điều gì, “muôn năm” vẫn đứng yên tại chỗ.

Cách làm tin cũng rất vui. Chuyện cày vỡ thôi cũng đưa tin (hồi ấy không phải máy móc thuận tiện như bây giờ). Có lần tôi viết thế này: Đến thời điểm này (hay dùng thời gian chung chung như vậy để hôm nay dùng không được thì ngày mai) HTX nông nghiệp Thủy Thanh cày vỡ được 60% đất. Dự kiến khoảng 4 ngày nữa là cày xong. Đúng là loại tin “củ tỏi” nhưng nó đã làm cho mình, mà không riêng gì mình sung sướng một thời. Tin đã vậy nhưng không thể viết nhiều được vì phương tiện đi lại khó khăn, toàn là xe đạp. Cái sướng của làm việc với HTX là không hề bắt bẻ, dễ tiếp cận thông tin. Không khó như tiếp cận với doanh nghiệp bây giờ.

Có lần tôi với Diên Thống (Báo Thừa Thiên Huế) rủ nhau đi làm. Cũng không biết đi đâu. Hai đứa cứ đạp xe đi đại về hướng Nam. Điểm đầu tiên hình như ghé HTX Thủy Châu thì phải. Lấy được một ít tin rồi đạp xe lên. Đến ngang đồng Thanh Lam còn sớm, thấy biển báo có một HTX nữa bên đường, lâu quá không nhớ tên. Vậy là quyết định ghé. Không ngờ chủ nhiệm HTX không bị bất ngờ mà còn tiếp rất niềm nở. Trưa còn cho hai anh em uống rượu, ăn trứng lộn và mấy điếu Trị An. Nói thật là sướng vô bờ bến, thấy cuộc đời nó cao sang chi lạ. Về đến nhà mới bước vô cửa là khoe với vợ liền.

Nhớ nhất là cái lần được phân đi Quảng Điền. Tôi mới vào cỡ vài tuần thì được phân đi Quảng Điền, dự một hội nghị “Sơ kết hai năm Xây dựng tuyến phòng thủ an toàn làm chủ”. Về đưa giấy mời cả nhà đều mừng, tưởng tôi được tin cậy nên giao việc, tôi cũng nghĩ thế. Sau đó vài năm mới biết đó là loại toà soạn cho là không hấp dẫn lắm. Anh em lớn không bao giờ đi. Tôi đạp xe qua chợ Đông Ba, bỏ xe lên xe đờ-nôn ra đến cây số 17. Từ đó đạp xe về Quảng Điền, vừa đi vừa hỏi dò đường. Dự hội nghị xong vừa đạp xe ra thì gặp anh Thanh Ngọc (bây giờ là Tổng Biên Tập tạp chí Sông Hương) mừng hết lớn. Giống như đang lưu lạc một nơi nào đó mà gặp người quen vậy. Anh ngoắt tôi nói: “Đi với tao”. Hai anh em tiếp tục đạp xe. Nhìn phía bên trái là một dải cát dài ven biển, cứ tưởng là đã đi đâu đó xa lắm. Đến chiều thì đến Quảng Thành, ghé vô HTX Phú Thanh. Ôi trời ơi, anh em được trọng vọng vô cùng. Làm việc xong, được mời ăn cơm, uống bia Vạn lực. Còn được dúi một phong bì, mình như ngây ngất. Tự hào về nghề vô biên. Mãi sau này mình mới biết là trước đó HTX có một vụ lẫn lúa giống. Xã viên kiện cáo um sùm. Giờ về gặp lại anh Thơm, anh vẫn còn làm chủ nhiệm. Hai anh em ôn lại chuyện xưa mà thấy nó như mới ngày hôm qua.

Chuyện làm báo hồi xưa với bây giờ khác nhau nhiều quá. 

Lê Phương