Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà tặng hoa cho Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh - Gương mặt đạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2018

Năm 2019, Thừa Thiên Huế đề ra mục tiêu hỗ trợ phát triển ít nhất 6 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 4 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và 1 doanh nghiệp gọi được vốn đầu tư. Những cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và các tổ chức cung cấp dịch vụ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đều được hỗ trợ nếu phù hợp các điều kiện của hệ sinh thái.

Đến nay, nhiều vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp, câu lạc bộ khởi nghiệp, không gian làm việc chung cũng được các trường đại học, cao đẳng thành lập, cùng các hoạt động kết nối sôi nổi được tổ chức. Theo bà Trần Thị Thùy Yên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, với hệ thống Đại học Huế và gần 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động, Thừa Thiên Huế là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điểm hạn chế ở địa phương là đại đa số sinh viên, thanh niên nói riêng, người dân Huế nói chung còn ngại tự bước ra khỏi “vùng an toàn” để khởi nghiệp và không ít chủ dự án khởi nghiệp còn có tâm lý chờ đợi Nhà nước hỗ trợ. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là đào tạo tinh thần khởi nghiệp cho người dân. Nhiệm vụ này cần có sự chung tay đồng bộ của các sở, ngành và cơ quan truyền thông.

Khởi đầu mùa thi tìm kiếm các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2018 của Thừa Thiên Huế, ông Phạm Duy Hiếu – Giám đốc Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam đã truyền cảm hứng cho người trẻ bằng câu chuyện về hai người nông dân. “Trên chuyến tàu nọ, có hai người nông dân mang theo ước mơ muốn tìm kiếm cơ hội đổi thay cuộc đời mình. Họ hoàn toàn xa lạ với nơi họ sẽ đến. Tuy nhiên, trong câu chuyện với nhiều người khác trên chuyến tàu ấy, họ được biết thành phố phía Bắc là nơi người dân rất thơm thảo, ai khó khăn gì cũng được giúp đỡ, không bao giờ lo bị chết đói. Trong khi, ở thành phố phía Nam, cuộc sống khó khăn hơn nhiều nên làm gì cũng phải được trao đổi bằng tiền. Khoảnh khắc ấy, hai người nông dân đã nhận ra đâu là thành phố họ muốn đến và họ đã quyết định đổi vé tàu cho nhau. Một thời gian sau, người nông dân đi về thành phố phía Nam nhận ra là những người dân trong thành phố rất muốn trồng cây nhưng họ không phải là nông dân, họ không biết gì về cây cối. Anh nghĩ ra cách là ra vùng ngoại ô lấy đất và lá cây ủ thành đất hữu cơ, chia thành chậu nhỏ  để bán cho người dân thành phố. Không ngờ, sản phẩm của anh có rất nhiều người mua. Sau một năm, anh ta mở được một cửa hàng và nhiều năm sau anh đã trở thành một doanh nhân. Lúc này, anh quyết định đi lên thành phố phía Bắc để mở chi nhánh. Khi tàu tới nhà ga, anh thấy một người đầu tóc rối bời thò đầu vào toa tàu để xin vỏ lon bia. Và khi người ăn xin ấy ngẩng đầu lên, anh nhận ra đó là người đàn ông nhiều năm về trước đã đổi vé cho mình…”.

Thông điệp của Phạm Duy Hiếu vẫn nguyên giá trị: “Xuất phát điểm của hai người nông dân hoàn toàn giống nhau. Nhưng người đi về phía Bắc đã chọn cách dựa dẫm vào ai đó, dựa dẫm vào một tổ chức nào đó để yên ổn. Trong khi, người đàn ông đi về thành phố phía Nam lại chọn cách dựa vào chính bản thân mình, tin rằng mình có thể làm gì đó để thay đổi cuộc đời. Và, anh ta đã khởi nghiệp thành công.

ĐỒNG VĂN