Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cần được cải tiến mẫu mã đa dạng, tinh tế (Ảnh minh họa)
Chậm đổi mới
Theo nghệ nhân Lê Phước Tiến (Hội An, Quảng Nam), thị trường tiêu thụ sản phẩm TCMN gần đây trở nên khó khăn. Giá thành không còn là tiêu chí cạnh tranh hàng đầu, mà sản phẩm phải có mẫu mã phong phú, đa dạng, phù hợp thị hiếu tiêu dùng, có tính mỹ thuật ứng dụng cao và mang tính bền vững.
Khảo sát việc sản xuất tại các làng nghề cho thấy, phần lớn các sản phẩm vẫn được sản xuất theo hình thức, mẫu mã cổ truyền, như: Sập gụ, tủ chè (nghề mộc mỹ nghệ, chạm khắc gỗ); đỉnh, hạc đồng (nghề đúc đồng); tranh tứ linh, tứ quý (nghề khảm trai)… Đa phần sản phẩm chậm đổi mới, chưa theo kịp với sự phát triển đa dạng của nền kinh tế thị trường.
TS. Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, nhiều làng nghề còn quá lệ thuộc vào các mẫu truyền thống, chưa quan tâm đến việc phải cải tiến mẫu mã, phát triển thị trường. Điều này nằm trong tiềm thức của nhiều nghệ nhân đầu đàn, chưa bắt kịp với các nhu cầu tiêu dùng và các quan niệm thẩm mỹ hiện đại. Mẫu mã sản phẩm nghèo nàn, chậm cải tiến cũng là một trong những nguyên nhân làm cho các làng nghề chậm phát triển.
Theo họa sĩ Vũ Hy Thiều, chuyên gia ngành thủ công, vì thiếu sáng tạo nên sản phẩm làng nghề chưa tinh xảo, nặng phô diễn kỹ thuật, trang trí quá rườm rà, thiếu thẩm mỹ và không theo kịp xu thế hiện đại. Khâu yếu nhất của các sản phẩm thủ công chính là những sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch. Sản phẩm quá to, quá nặng khiến khách khó mang đi. Điều này khiến chúng ta thua trên sân nhà khi thị trường hàng lưu niệm có trên 80% sản phẩm của Trung Quốc và các nước khác.
Sản phẩm gốm Phước Tích
Tạo sản phẩm khác biệt
Theo TS. Tôn Gia Hóa, mẫu mã sản phẩm nghề truyền thống nên vừa có nét đẹp cổ truyền mang đậm bản sắc dân tộc, vừa mang nét văn hóa riêng biệt của từng vùng, từng địa phương; vừa tận dụng được tinh hoa công nghệ truyền thống, vừa có thể áp dụng công nghệ mới tiên tiến.
Họa sĩ Vũ Hy Thiều, chuyên gia ngành thủ công lưu ý, đối với sản phẩm mỹ nghệ cần có ý tưởng lạ, độc đáo, kỹ thuật thủ công tinh xảo, có tính thẩm mỹ cao. Đối với sản phẩm tiêu dùng cần bền, chắc, tiện dụng, an toàn, công năng sử dụng tốt, mẫu đẹp, luôn luôn thay đổi. Đối với sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm phải đẹp, tinh xảo, hoàn chỉnh, gọn nhẹ, dễ sử dụng, có ý nghĩa kỷ niệm. Ngoài ra, bao bì sản phẩm cũng phải phù hợp, giữ được chất lượng và tăng giá trị cho sản phẩm. Các làng nghề nên cạnh tranh bằng sự khác biệt, trong đó có thể khai thác yếu tố văn hóa truyền thống để tạo ra những sản phẩm khác biệt.
Việc đào tạo mỹ thuật ứng dụng thông qua công việc thiết kế mẫu hàng lưu niệm, quà tặng TCMN là rất cần thiết để tạo ra tính mỹ thuật, nghệ thuật cao cho sản phẩm. Ngoài việc khuyến khích các doanh nghiệp tự thiết kế mẫu, cần tổ chức hoạt động hỗ trợ thiết kế, đào tạo về nghiệp vụ thiết kế cho doanh nghiệp. Hiện nay, đội ngũ các nhà thiết kế mỹ thuật ứng dụng được đào tạo bài bản cần được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, tạo cầu nối giữa những nhà thiết kế được đào tạo với kinh nghiệm của các nghệ nhân để tạo nên những sản phẩm đẹp.
Ở Thừa Thiên Huế, để nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Sở Công thương đã cấp quyền sử dụng “Con dấu nhận diện sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế” cho 20 đơn vị với 467 mẫu của 47 sản phẩm/bộ sản phẩm. Con dấu này không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, mà còn tạo ra nét riêng, điểm chấm phá độc đáo tôn vinh sản phẩm Huế. Đại diện Sở Công thương cho biết, từ năm 2016 đến nay, sở đã đặt hàng 17 mẫu thiết kế sản phẩm, 3 bộ mẫu mã bao bì sản phẩm với tổng kinh phí 662 triệu đồng. Các mẫu thiết kế có tính sáng tạo, mô phỏng cách điệu các vật thể, công trình kiến trúc được công nhận là di sản văn hóa Huế để đa dạng hóa sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm hàng lưu niệm và quà tặng phục vụ du lịch.
Bài, ảnh: Minh Hiền