Đội 192 tìm mộ liệt sĩ tại Lào
Tình nghĩa sắt son
Hai bên tuyến đường 15 chạy từ cửa khẩu LaLay (Quảng Trị) đến tỉnh Salavan là những rừng cây vừa trải qua một mùa khô khốc liệt nhưng vẫn ngút ngàn tầm mắt. Lá rụng, cành khô nhưng bắt đầu vươn ra những chồi nụ. Bản làng hai bên đường tuy chưa khang trang, sầm uất, nhưng cũng có một sự đổi thay kỳ diệu so với những năm tháng trước đây. Đôi lúc những chàng trai, cô gái Lào trong trang phục lễ hội vui vẻ té nước cầu phúc cho chúng tôi mỗi khi đi qua. Dường như họ muốn chúng tôi cùng chung vui trong những ngày hội như thế này.
Thị xã Salavan là trung tâm của tỉnh Salavan. Tuy không sầm uất như PắcXế- Savannakhet hay Viêng Chăn, nhưng Salavan vẫn mang một dáng vẻ riêng của nó. Thị xã yên tĩnh nằm bình yên bên dòng sông Xebanghieng. Không có đèn đỏ ở ngã tư, nhưng việc chấp hành giao thông của người dân nơi đây rất đáng khâm phục. Những công trình dân dụng, những trụ sở hành chính ngày một khang trang, gọn gàng và xinh xắn. So với hơn 10 năm trước đây khi chúng tôi trở lại quả là một sự đổi thay lớn lao.
Tiếp chúng tôi trong căn phòng khách của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan, trong không khí thân mật, Thiếu tướng Phu Viêng Liêm Ma Vông Sa, Chỉ huy trưởng thân tình ngợi ca sự đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai nước Việt Nam – Lào đã trải qua bao năm tháng đồng cam cộng khổ, xây dựng tình hữu nghị bằng cả máu và nước mắt của Nhân dân hai nước. Đặc biệt là tình đoàn kết giữa hai tỉnh Salavan và Thừa Thiên Huế đã được vun đắp bằng sự hy sinh của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam. Hiện còn nhiều người con đất Việt vẫn còn nằm đâu đó trên những mảnh rừng của Lào.
Thiếu tướng Phu Viêng Liêm Ma Vông Sa cũng nhấn mạnh: "Việc giúp đỡ quy tập hài cốt các liệt sĩ của Việt Nam là trách nhiệm thiêng liêng của Đảng bộ, quân và Nhân dân tỉnh Salavan".
Đêm đó, đoàn chúng tôi được chung vui cùng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Salavan bằng lễ Phục-khén và những điệu lăm-vông ấm áp tình đồng chí của những người chung một chiến hào, chung một chí hướng. Men rượu say và say luôn cả ánh mắt những cô gái Lào dịu dàng, đôn hậu. Những ngày tiếp theo, chúng tôi về thăm Đội 192- Đội quy tập mộ liệt sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tiếp tục tìm kiếm hài cốt liệt sĩ
Gần 20 năm qua, dấu chân các anh đã in khắp những mảnh rừng, dòng suối, con sông, bản làng hẻo lánh của tỉnh Salavan. Những ngày mưa rừng, các anh phải vật lộn với bao nguy hiểm. Những cơn sốt rét, những tháng ngày xa cách, nhưng với tinh thần của người lính “Bộ độ Cụ Hồ”, các anh đã vượt qua bao gian lao đó. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ hy sinh đã được các anh đưa về với đất mẹ thân yêu. Tổ quốc đã ghi công các anh bằng danh hiệu “Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân”.
Với chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, các cán bộ, chiến sĩ Đội 192 còn giúp đỡ nước bạn bằng tình cảm và trách nhiệm của mình. Trên con đường đi tìm mộ liệt sĩ, gặp những hoàn cảnh neo đơn, các anh nhường cơm, chia từng viên thuốc cho đồng bào, hướng dẫn đồng bào tăng gia sản xuất; xây dựng các công trình giúp bạn với hàng ngàn ngày công. Các anh giống như những người con của bản làng nơi ấy.
Mùa khô năm 2018-2019, bằng công sức và sự giúp đỡ tận tình của đồng bào tỉnh Salavan, cán bộ, chiến sĩ Đội 192 đã quy tập được 18 hài cốt liệt sĩ. Đầu tháng 5 này, các anh hùng liệt sĩ sẽ được trở về với đất mẹ trong một không khí trang nghiêm với sự đưa tiễn đầy lưu luyến của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Salavan.
Trong buổi trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Phu Viêng Liêm Ma Vông Sa nhấn mạnh: “Đội 192 của Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế như một sợi dây kết nối tình hữu nghị của hai tỉnh chúng ta. Chúng tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả của đội trong việc giúp đỡ Nhân dân tỉnh chúng tôi”. Ghi nhận sự đánh giá đó, chúng tôi tin tưởng Đội 192 sẽ làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, thực sự là cầu nối tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 tỉnh Salavan và Thừa Thiên Huế.
Tạm biệt Salavan, tạm biệt đất nước Triệu voi, tạm biệt những tấm lòng đôn hậu. Phía sau chúng tôi là những cơn mưa. Đất rừng Lào sẽ trở lại màu xanh mướt - màu xanh của hy vọng, của tình hữu nghị, tô thắm mãi mối tình Việt – Lào thủy chung.
Bài, ảnh: Nguyễn Ngọc Lâm