Hôm đó, chị dâu tôi gọi điện thoại bảo: “Nhân dịp ba mẹ chị từ Sài Gòn ra Đà Nẵng thăm con cháu, cuối tuần này anh chị sẽ đưa ông bà ra Quảng Bình thăm ông bà nội mấy đứa (tức ba mẹ tôi). Đây có thể là chuyến đi thăm thông gia lần cuối, vì sức khỏe của hai ông đều đã yếu. Chị gọi sớm để em thu xếp công việc, cùng về đoàn tụ cả gia đình luôn nha”.

Ô tô đỗ trước cổng, tôi vội ra mời ba mẹ chị dâu ghé vào nhà nghỉ ngơi vệ sinh cá nhân một lát trước khi tiếp tục chặng đường gần 200 cây số. Bác trai cử động chậm chạp, khó khăn, lại ngồi xe chặng đường khá dài nên chân bị tê cứng. Anh trai tôi thận trọng, nhẹ nhàng xoa bóp từng bàn chân một lúc lâu rồi mới đỡ bác xuống. Hình ảnh ấy khiến tôi và bất cứ ai cũng nghĩ đến tình cảm yêu thương, sự chăm sóc của một đứa con trai dành cho cha ruột.

Cũng chính lúc đó, lập tức hiện lên trong tâm trí tôi “câu chuyện” một năm trước, tôi đưa ba mẹ vào Đà Nẵng thăm anh chị và các cháu. Căn bệnh cũ tái phát bất ngờ khiến ba tôi vệ sinh không tự chủ. Chị dâu chẳng chút ngại ngần, lau dọn cho ba chồng chu đáo, bằng tình cảm lo lắng yêu thương, chăm sóc của một cô con gái dành cho cha ruột.

Tôi nhớ lại thỉnh thoảng chị dâu vẫn ca thán với tôi về những “tật xấu” của chồng, những điều anh trai tôi khiến chị bực tức hay không vừa ý. Thế nhưng phần kết của câu chuyện, bao giờ chị cũng bảo: “Chị bực thật đó. Nhưng nghĩ mỗi lúc chị đau ốm, mệt mỏi, anh mày lo lắng chăm sóc. Dù vụng về nhưng vẫn kỳ cà kỳ cạch tự tay nấu cháo mang đến tận giường cho vợ. Cháo anh nấu thì “thôi rồi”, nhưng chị vẫn thấy ngon vì ở đó là tấm lòng”. Lại nhớ, không ít lần anh tôi tâm sự, rất cảm động vì chị dâu dù phải chịu nhiều thiệt thòi trong hoàn cảnh vợ một người lính, nhưng luôn lặng lẽ đứng vững “phía sau”, làm hậu phương bình yên cho chồng.

Tôi mới hiểu vì sao sau hơn 25 năm chung sống, cả hai người tóc đã xen sợi bạc, gương mặt đã hằn dấu vết thời gian, đã trải những thăng trầm, cũng trải qua nhiều sóng gió, nhưng rồi tình cảm vợ chồng của anh chị tôi vẫn bền chặt, ngọt ngào. Hạnh phúc đó không tự nhiên mà có, mà là quá trình dài mỗi người xây dựng, vun đắp bằng tình cảm yêu thương chân thành, biết nghĩ cho nhau không chỉ với “đối phương” mà với cả cha mẹ, người thân hai bên nội ngoại…

PHẠM THÙY CHI