Người dân đi mua sắm ở thành phố Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg

Theo đó, Bangladesh, Việt Nam, Myanmar và Philippines sẽ đáp ứng mức tăng trưởng này, Hãng thông tấn Bloomberg ngày 12/5 trích dẫn một nghiên cứu từ bà Madhur Jha, Trưởng bộ phận nghiên cứu chuyên đề của Công ty đa quốc gia chuyên về ngân hàng và tài chính Standard Chartered, và Nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Standard Chartered, ông David Mann cho hay.

Ngoài ra, Ethiopia và Bờ Biển Ngà cũng có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng 7%, điều này thường đồng nghĩa với sự gia tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cứ mỗi 10 năm.

Đây sẽ là một lợi ích đối với thu nhập bình quân đầu người; trong đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng vọt lên 10.400 USD vào năm 2030, từ mức khoảng 2.500 USD hồi năm ngoái, các chuyên gia ước tính.

Nhóm các nền kinh tế tăng trưởng 7%

Standard Chartered chỉ ra, 7 nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khoảng 7% trong những năm 2020, với mức tăng mạnh trong GDP bình quân đầu người.

Ưu thế của châu Á đối với danh sách là một sự thay đổi so với năm 2010, khi công ty này lần đầu tiên bắt đầu theo dõi các nền kinh tế mà Standard Chartered dự báo ​​sẽ tăng trưởng khoảng 7%.

Trước đó, danh sách này đã có 10 thành viên chia đều giữa khu vực châu Á và châu Phi, bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Việt Nam, Nigeria, Ethiopia, Tanzania, Uganda và Mozambique.

“Tăng trưởng nhanh hơn không chỉ hỗ trợ người dân thoát khỏi tình trạng đói nghèo tuyệt đối nhanh chóng hơn, mà còn thường đi kèm với y tế và giáo dục tốt hơn, cũng như phạm vi rộng hơn và sự tiếp cận tốt hơn đối với các loại hàng hóa và dịch vụ”, các chuyên gia khẳng định trong báo cáo.

Bên cạnh đó, “thu nhập cao hơn nhờ tăng trưởng nhanh hơn cũng thường làm giảm sự bất ổn chính trị - xã hội và giúp đưa ra các cải cách cơ cấu dễ dàng hơn”, họ nói thêm.

Ngoài ra, những thành viên thuộc nhóm các nền kinh tế tăng trưởng 7% cũng có xu hướng có tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư ít nhất 20-25% GDP, theo báo cáo.

Lê Thảo (Lược dịch từ Bloomberg)