Các container tại cảng Tanjung Priok ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters

Báo cáo chỉ ra, nếu tình trạng này tiếp diễn hoặc xấu đi, căng thẳng thương mại có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi được kỳ vọng trong tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu và của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-5 (bao gồm Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) vào năm 2020.

“Sự chậm lại hơn nữa của nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của ASEAN-5, nhất là vào năm 2020”, báo cáo lưu ý.

Bên cạnh đó, RHB Research nhấn mạnh, trong số 5 nền kinh tế lớn ở khu vực ASEAN, tăng trưởng toàn cầu đang giảm tốc sẽ tác động mạnh nhất đến Singapore và Malaysia; tiếp theo đó là Philippines, Thái Lan và Indonesia.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu của ASEAN-5 hiện đang yếu đi, khi xuất khẩu của Indonesia và Philippines đã giảm mạnh hơn trong quý đầu tiên của năm nay.

“Điều này là do nhu cầu toàn cầu suy yếu, trong bối cảnh ảnh hưởng từ quyết định thắt chặt chính sách trước đó của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc”, báo cáo nói thêm.

Cụ thể, Singapore, Indonesia và Philippines đều báo cáo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế yếu hơn trong quý I năm 2019, do xuất khẩu suy yếu.

Đối với quy mô toàn cầu, RHB Research nhận định: “Mặc dù tăng trưởng toàn cầu có khả năng bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng thương mại leo thang và nguy cơ suy thoái sẽ tiếp tục tăng nếu những căng thẳng này kéo dài, nhiều khả năng cho thấy tốc độ tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại, hơn là suy thoái”.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ The Borneo Post)