Tạo ra và đảm bảo hệ thống thực phẩm bền vững cho người dân toàn cầu là trách nhiệm của mọi quốc gia. Ảnh: The ASEAN Post

Trong 3 năm qua, số người bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu dinh dưỡng kinh niên trên toàn cầu đã và đang ngày càng tăng cao. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) ước tính, thay vì phát triển khả quan hơn, -năm 2017, có đến 821 triệu người chịu cảnh đói ăn, tăng cao hơn so với 804 triệu người trong năm 2016.

Vấn đề cấp bách

Xét về tiểu vùng, ở Đông Nam Á, tỷ lệ dân số không được đảm bảo an toàn thực phẩm, hoặc chịu đói kéo dài do không đủ khả năng kinh tế hay nhiều lý do khác đã tăng từ 7,3%, tương ứng với 46 triệu người lên thành 10,1%, tương ứng 65,8 triệu người trong hai mốc thời gian 2014 và 2017.

Tình trạng hiện tại là kết quả của một hệ thống thực phẩm, nơi nông nghiệp đã sử dụng gần ½ diện tích đất thực vật của thế giới và tạo ra ¼ lượng khí thải nhà kính (GHG) mỗi năm. Vấn đề tạo nên chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho khoảng 10 tỷ người vào năm 2050 mà không hủy hoại môi trường và khí hậu, đồng thời đạt được sự phát triển bền vững là một trong những chủ đề được thảo luận tại Hội nghị các Bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) để triển khai Công ước khung của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).

Theo báo cáo “Tạo ra tương lai thực phẩm bền vững” thực hiện và công bố bởi Viện tài nguyên thế giới (WRI), những thách thức của quá trình tạo ra tương lai thực phẩm bền vững liên quan đến việc cân bằng nhiều nhu cầu cạnh tranh. Cho đến năm 2050, thế giới sẽ phải đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, tức phải nuôi sống nhiều người hơn. Cùng lúc, thế giới cũng phải đảm bảo nông nghiệp sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo thông qua phát triển toàn diện kinh tế và xã hội.

Lối sách là gì?

Trong báo cáo của WRI, các chuyên gia nhấn mạnh, bất chấp có rất nhiều thách thức cần phải giải quyết, mục tiêu của một tương lai thực phẩm bền vững vẫn có thể đạt được nếu mọi hành động nỗ lực được triển khai kịp thời với sự hỗ trợ, cống hiến tích cực của cả khu vực công và tư. Cụ thể, một danh sách các biện pháp đã được đưa ra nhằm giải quyết và thu hẹp nhiều khoảng cách. Trong đó bao gồm khoảng cách thực phẩm, khoảng cách về đất và khoảng cách giảm GHG.

Một trong những biện pháp chính là giảm số lượng thực phẩm tổn thất và lãng phí trị giá gần 1 nghìn tỷ USD/năm. Lối sách này được xem là then chốt, nhất là khi giảm 25% lượng thực phẩm nói trên trên toàn cầu sẽ có thể thu hẹp 12% khoảng cách thực phẩm, cùng lúc giảm 27% khoảng cách về đất và 15% khoảng cách GHG.

Các biện pháp được thực hiện tại khu vực Đông Nam Á bao gồm chuyển sang sản xuất năng lượng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc sử dụng nhiều biện pháp can thiệp liên quan đến năng suất cây trồng, khả năng canh tác, bảo vệ đất than bùn và các hệ thống sinh thái tự nhiên khác, cũng như cải thiện việc quản lý nguồn cá hoang dã...

Nhìn chung, một thế giới bền vững là một thế giới có thể cung cấp hệ thống thực phẩm bền vững, phù hợp cho tất cả mọi người. Những lựa chọn phù hợp sẽ mang lại lợi ích xã hội, môi trường và kinh tế rộng hơn. Do đó, đây chính là thời điểm để chính phủ các nước, khu vực công, tư và xã hội dân sự ngồi lại bàn bạc cụ thể và đưa ra lối sách hành động trong tương lai.

Đan Lê (Lược dịch từ The ASEAN Post)