Tiếp cận các nguồn vốn của chi, tổ hội giúp chị em phụ nữ đầu tư phát triển kinh tế. (Trong ảnh: Hội viên Hội LHPN xã Vinh Hưng đầu tư máy móc để may gia công tại nhà)

Đều đặn hằng tháng, chị Hoàng Thị Bé và các hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Diêm Trường 1 và 2, xã Vinh Hưng đều tham gia tiết kiệm tự nguyện 200 nghìn đồng để mua bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình.

Chị Bé kể, trước đây mỗi năm chị bỏ ra hơn 2,5 triệu đồng để mua BHYT cho các thành viên trong gia đình, một số tiền khá lớn so với điều kiện kinh tế của gia đình chị. Lắm lúc, chị còn phải vay mượn bà con họ hàng để kịp gia hạn bảo hiểm. “Từ lúc tham gia mô hình tiết kiệm mua BHYT, mỗi khi đến kỳ hạn mua bảo hiểm, tôi không còn phải lo lắng xoay sở tiền bạc như trước kia. 200 nghìn đồng mỗi tháng là số tiền không lớn, cứ xem như mình để dành một ngày công thu nhập. Vừa qua, tôi còn được tạo điều kiện mượn 10 triệu đồng từ quỹ tiết kiệm để giúp chồng phát triển nghề mộc, nhờ đó kinh tế gia đình khấm khá hơn”, chị Bé bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Trâm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Diêm Trường 1 cho biết, đối với các gia đình không mấy khá giả, việc chi trả một khoản tiền lớn định kỳ cho việc mua BHYT khá khó khăn, nhất là những gia đình đông thành viên. Không ít trường hợp chọn cách mua BHYT 3 tháng một lần để dễ xoay sở. Với mô hình tiết kiệm trên, 27 hội viên tham gia sẽ nhận lại số tiền đã đóng vào cuối năm để nối hạn BHYT. Ngoài ra, tiền tiết kiệm sẽ được tổng kết vào mỗi quý và cho các chị em có nhu cầu mượn xoay vòng ngắn hạn để phát triển kinh tế. Nếu không có trường hợp nào mượn, khoản tiết kiệm sẽ được gửi ngân hàng, tiền lãi trích ra để thăm hỏi, động viên các trường hợp hội viên ốm đau, bệnh tật.

Theo bà Nguyễn Thị Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Vinh Hưng, việc thực hiện Chỉ thị 05 tại đơn vị gắn với thực hiện Đề án 343 về Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ mới “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và Đề án 704 “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và được cụ thể bằng nhiều mô hình, phong trào hoạt động. Nổi bật trong số đó là việc tăng cường tuyên truyền đến cán bộ, hội viên việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lấy tinh thần tiết kiệm của Bác để giáo dục ý thức tiết kiệm trong hội viên. Qua đó, các mô hình tiết kiệm tại chi, tổ hội được duy trì và quản lý tốt. Đến nay, số vốn để chị em mượn xoay vòng đã lên đến hơn 210 triệu đồng. Như trường hợp chị Hồ Thị Hiền (thôn Trung Hưng), nhờ được tiếp cận các nguồn vốn của chi, tổ hội để phát triển nuôi trồng thủy sản, đến nay gia đình chị đã khấm khá hơn.

Bên cạnh mô hình tiết kiệm mua BHYT, Hội LHPN xã Vinh Hưng còn có nhiều mô hình tiết kiệm học Bác khác. Điển hình là Chi hội Phụ nữ thôn Trung Hưng với mô hình tiết kiệm heo đất và quỹ tiết kiệm của Câu lạc bộ Bình đẳng giới. Bà Phạm Thị Mai, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Trung Hưng chia sẻ, với phương châm “tích tiểu thành đại”, mỗi hội viên nuôi một con heo đất, tùy theo hoàn cảnh của từng gia đình, các chị sẽ bỏ tiền vào heo. Mỗi buổi sinh hoạt hằng quý, các chị tập trung để "mổ heo" và cho hội viên mượn vốn xoay vòng để phát triển kinh tế. Số tiền còn lại được đóng góp vào quỹ hội để hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đột xuất. Tương tự, Câu lạc bộ Bình đẳng giới của thôn với hình thức góp quỹ của các thành viên 10 nghìn đồng/người/tháng, số tiền hiện nay đã hơn 120 triệu đồng.

“Học tập và làm theo gương Bác đã trở thành việc làm có sức lan tỏa rộng khắp trong cán bộ, hội viên Hội LHPN xã Vinh Hưng. Các mô hình tiết kiệm phù hợp với điều kiện thực tế từng gia đình, từng hoàn cảnh đã góp phần giúp nâng cao hiệu quả phong trào phụ nữ làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững trên địa bàn”, bà Nguyễn Thị Thảo khẳng định.

Bài, ảnh: Minh Nguyên