Con người đang ngày càng đối mặt với nhiều thảm hoạ. Ảnh: REUTERS

Báo cáo đánh giá 2 năm/lần về cách thế giới đối phó với thảm họa cho biết, ô nhiễm không khí, bệnh tật, hạn hán, biến đổi khí hậu và động đất đang tạo ra những rủi ro "theo cách mà chúng ta không lường trước được".

Các sự kiện thời tiết cực đoan đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua, gây ra thiệt hại kinh tế khiến nó trở thành "một trận chiến khó khăn" để duy trì mức tăng trưởng phát triển ở các nước thu nhập thấp và trung bình, bà Mami Mizutori, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ nêu rõ.

Song song đó, một báo cáo được công bố bởi Trung tâm Giám sát dịch chuyển nội địa cho thấy khoảng 265 triệu người đã bị tàn phá bởi các thảm họa kể từ khi trung tâm này bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2008, nhiều hơn gấp 3 lần so với những người bị buộc phải di dời do xung đột và bạo lực.

Trong một tín hiệu tích cực, Báo cáo đánh giá toàn cầu năm 2019 cho biết các chính phủ đã bắt đầu ghi nhận dữ liệu và tiến tới 7 mục tiêu toàn cầu được đặt ra trong Khung hành động Sendai 2015, nhằm mục đích giảm bớt rủi ro và tác động của thảm họa. Những mục tiêu đó tập trung vào việc giảm tỷ lệ tử vong, số người bị ảnh hưởng và thiệt hại kinh tế do thảm họa vào năm 2030. Tuy nhiên, Mizutori cho rằng những tiến bộ đó mặc dù rất đáng khích lệ nhưng vẫn là không đủ.

Theo đó, nếu không có hành động khẩn cấp hơn để quản lý những rủi ro đan xen có thể làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược tiến trình hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, bao gồm cả mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Do vậy, để ngăn chặn điều đó xảy ra, cần đầu tư nhiều hơn để ngăn chặn thảm họa và bảo vệ những người dễ bị tổn thương khỏi những tác động xấu nhất có thể phải đối mặt, đại diện Tổng thư ký nhấn mạnh.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ UN)