Một nông dân đang thu hoạch đậu ở Campuchia. Ảnh: UN

Theo dữ liệu trích dẫn từ Vụ Các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên Hiệp quốc (DESA) trong báo cáo về Tình hình và Triển vọng kinh tế thế giới (WESP) giữa năm, triển vọng tăng trưởng của tất cả các nền kinh tế phát triển mạnh và hầu hết các khu vực đang phát triển đều suy yếu.

Trước đó, khi công bố báo cáo thường niên chính hồi tháng 1/2019, các nhà kinh tế của LHQ đã cảnh báo về những rủi ro đang lờ mờ xuất hiện. Năm tháng sau, với các tranh chấp thương mại và chính sách tăng thuế, những lo ngại đó đã hiện ra rõ ràng, và các dự báo trong báo cáo tháng 1 theo đó đã được điều chỉnh giảm. Cụ thể, tăng trưởng cho năm 2019 hiện được dự đoán ở mức trung bình 2,7%, giảm rõ rệt từ mức 3,4% trong năm 2018.

Tuy nhiên, DESA cảnh báo rằng nếu căng thẳng thương mại leo thang hơn nữa, tác động của biến đổi khí hậu tăng nhanh hoặc có sự suy giảm đột ngột trong các điều kiện tài chính, thì nền kinh tế toàn cầu có thể suy giảm mạnh hơn hoặc kéo dài hơn nữa.

Mục tiêu chấm dứt nghèo đói bị đe doạ

Nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại được dự đoán sẽ báo hiệu những tin tức xấu cho những nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 của LHQ vì sự phát triển bền vững, trong đó có một loạt các mục tiêu để chấm dứt nghèo đói cùng cực và thúc đẩy sự thịnh vượng, song song với việc bảo vệ môi trường.

Một nền kinh tế toàn cầu yếu hơn sẽ đặt ra nhiều nguy cơ cho các khoản đầu tư thiết yếu vào các lĩnh vực như giáo dục, y tế và hành động khí hậu. Các nước đang phát triển có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là những nước có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thị trường, có khả năng bị ảnh hưởng rất lớn bởi việc áp dụng các mức thuế bổ sung và các biện pháp trả đũa tiếp theo.

Báo cáo cũng lưu ý rằng, mặc dù nghèo đói tập trung ở khu vực nông thôn, nhưng phong trào di cư từ nông thôn đến thành phố đang có tốc độ gia tăng nhanh chóng, do đó cần phải được quản lý cẩn thận. Điều này đặc biệt phù hợp với Châu Phi và Nam Á, hai khu vực có số người nghèo cao nhất, dự kiến ​​cũng sẽ trải qua tốc độ đô thị hóa nhanh nhất trong 2 thập kỷ tới.

Trong một tuyên bố, ông Elliot Harris - Trưởng phòng Kinh tế và Trợ lý Tổng Thư ký LHQ về Phát triển Kinh tế cho rằng, điều thiết yếu là cần có các chính sách toàn diện hơn và nhắm mục tiêu tốt hơn để giải quyết sự sụt giảm trong tăng trưởng. Với tình trạng khẩn cấp khi các vấn đề về khí hậu tiếp tục gây ra thảm họa tự nhiên một cách thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng hơn, gây những ảnh hưởng không tương xứng đến các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, báo cáo của LHQ kêu gọi một cách tiếp cận đa phương đối với chính sách khí hậu toàn cầu, bao gồm một lời kêu gọi rõ ràng về giá carbon – chính sách buộc các khu vực tư nhân và chính phủ phải bao gồm các chi phí môi trường của tiêu dùng và sản xuất trong quá trình ra quyết định kinh tế của họ.

Bảo Nghi (Lược dịch từ UN)