Hơn chục năm về trước, tâm lý sính hàng ngoại ăn sâu vào đời sống. Điều này cần khách quan nhìn từ nhiều phía. Nếu loại trừ yếu tố tâm lý, đua đòi của một bộ phận người tiêu dùng thì về cơ bản, sự lựa chọn này bắt nguồn từ chất lượng, mẫu mã, giá cả sản phẩm nhập ngoại có sức cạnh tranh hơn hàng nội. Với các nhà sản xuất trong nước, việc chậm đổi mới công nghệ, chủng loại hàng hóa đơn điệu, chất lượng sản phẩm không cao, giá thành chưa tương xứng với chất lượng sản phẩm… khiến người tiêu dùng quay lưng. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước còn những bất cập, hệ thống phân phối lạc hậu, hàng lậu, hàng trốn thuế tràn vào thị trường tác động xấu đến nền sản xuất trong nước, khiến các doanh nghiệp nội khó cạnh tranh được trên thị trường.

Sau 10 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt  Nam”, cái được lớn nhất không chỉ tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt, mà còn khơi dậy được nguồn lực và năng lực sản xuất, kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế. Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi vào các siêu thị ở tỉnh như BigC, Co.opmart, hàng Việt chiếm hầu hết các gian hàng, với đủ các chủng loại từ áo quần, giày dép, mỹ phẩm đến hàng thực phẩm đóng hộp, tươi sống. Trong đó, không ít sản phẩm vươn ra thị trường thế giới, trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.

Về các chợ truyền thống-kênh phân phối quan trọng, gần với người dân-hàng Việt gần như chiếm lĩnh hoàn toàn, chinh phục được người tiêu dùng từ giá cả đến mẫu mã, chất lượng sản phẩm phù hợp. Nói điều này để thấy, hàng Việt ngày càng đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường và chiếm được lòng tin của khách hàng…

Ở tầm vĩ mô, sự lớn mạnh của hàng Việt và ủng hộ của người tiêu dùng đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, kìm chế lạm phát, giảm nhập siêu và tiến tới xuất siêu như hiện nay của nước ta.

Trong bối cảnh mở cửa, Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương thì cơ hội và áp lực đối với hàng Việt trong sân chơi chung này càng lớn hơn. Thị trường Việt  không còn là của riêng doanh nghiệp Việt, mà có sự cạnh tranh của hàng hóa các nước tham gia các hiệp định thương mại cùng Việt Nam. Khi đó, nếu chỉ mong chờ vào niềm tự hào dân tộc và sự ưu tiên của người tiêu dùng là chưa đủ, mà cần sự nỗ lực vươn lên của chính các doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng sản phẩm, giá thành sản phẩm phù hợp, tổ chức tốt hệ thống phân phối, dịch vụ chăm sóc chu đáo… không chỉ là yêu cầu của người tiêu dùng mà còn là vấn đề sống còn của chính các doanh nghiệp Việt. Nếu làm được điều này, người tiêu dùng sẽ chuyển từ "ưu tiên” sang "tin dùng" và tiến tới “tự hào” về hàng Việt.

Hoàng Minh